THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Đời sống nông thôn: Thách thức lớn với các nhà làm chính sách

Đói nghèo giảm hẳn, nhưng chưa toàn diện

Kết quả của cuộc điều tra đưa ra bức tranh tổng thể của nông thôn Việt Nam, cũng như tác động về những thay đổi của hộ gia đình và khả năng tiếp cận của các hộ như: Nguồn vốn, lao động, đất đai... Đây là tài liệu nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam những thập niên tới. Báo cáo dài 409 trang, dựa trên kết quả của 5 vòng tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) được điều tra lặp lại 2 năm một lần, từ năm 2006 - 2014. VARHS đã điều tra lặp lại 2.162 hộ gia đình tại 12 tỉnh, gồm: Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Quảng Nam và Long An. Cùng với đó, các nội dung như vấn đề đất đai, di cư, đổi mới công nghệ trong phát triển, vấn đề nguồn vốn, phúc lợi xã hội... cũng được đề cập đến trong báo cáo. 

TS. Finn Tarp, Giám đốc UNU-WIDER (Trường ĐH Copenhagen, Đan Mạch), đơn vị thực hiện báo cáo, cho biết: “Ngành nông nghiệp trì trệ, không có sự tăng trưởng, giá trị gia tăng trong nông nghiệp và lao động ít có sự thay đổi, dậm chân tại chỗ trong suốt thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế không mang lại cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trong 10 năm qua, đáng kể nhất là tình trạng đói nghèo giảm mạnh, nhưng chưa toàn diện ở tất cả các hộ ở nông thôn. Và mặc dù GDP/người tại Việt Nam đã tăng lên, nhưng so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc…thì vẫn thấp hơn nhiều”.

Làm giàu từ nông nghiệp với đại bộ phận nông dân, hiện vẫn rất khó khăn.

Năng suất sản xuất thấp, do việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế. Có những địa phương nỗ lực áp dụng sản xuất nông sản sạch, nhằm tạo ra một thị trường tiêu thụ tốt, nhưng sản phẩm làm ra luôn bị thương lái mua ép giá khiến người dân nản lòng. Để sản xuất nông sản sạch thành công, người nông dân có lãi hơn 20%  so với trồng theo cách làm truyền thống, nhưng đầu ra không ổn định, dẫn đến thua lỗ với nhiều nông hộ.

Rất nhiều mô hình sản xuất trái cây, rau an toàn ở các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang nông dân không còn đủ sức xin tái chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất sạch GAP là ví dụ. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không thể phân biệt đâu là hàng hóa sản xuất theo GAP, đâu là sản phẩm không an toàn, dẫn tới chất lượng bị đánh đồng. Đây chỉ là một trong nhiều lý do khiến chất lượng lao động và thu nhập nông thôn vẫn mãi ỳ ạch. 

Phải giảm lao động nông nghiệp

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ 100% phí chứng nhận GAP ban đầu, sau đó giảm xuống còn 75%... và cứ thế giảm dần, sau đó để nông dân tự lo. Để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thì phải tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Được biết, tỉnh Đồng Tháp dự kiến hỗ trợ kinh phí 100% cho công tác đào tạo, dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế sản phẩm theo quy định của các quy chuẩn kỹ thuật.

Hiện nay, trong công tác đầu tư xây dựng nông thôn mới, qua khảo sát, nhiều địa phương chỉ tập trung đầu tư làm hạ tầng, chưa chú trọng đến khâu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập người dân. Trong khi đây mới là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới. Thêm nữa, hiện nay là khoảng cách thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn quá xa và càng ngày càng rộng ra, có tới 85% hộ nghèo của cả nước sống ở nông thôn. “Nếu chúng ta phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà nông dân nghèo thì có là nước công nghiệp được không? Cho nên nhất định phải tăng được thu nhập cho nông dân, nâng cao đời sống vật chất của nông dân - Đó là điều khó nhưng nhất định phải làm”- TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, khẳng định. 

Ý kiến này nhận được nhiều đồng thuận từ các chuyên gia, muốn tăng thu nhập thì phải giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 cứ 3 người làm nông nghiệp phải rút đi chỉ còn 1, 2 người kia phải chuyển đổi ngành nghề khác. Muốn chuyển đổi mạnh, phải đào tạo nghề để làm phi nông nghiệp, có như thế mới làm nên “Sự trỗi dậy của con rồng mới nổi” đúng như tên gọi của báo cáo. 

Nguyễn Thanh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh