THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:33

Thạch Thất (Hà Nội): Đất giàu truyền thống, người giàu nghĩa tình

 

 Trong những năm qua, đi đôi với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất nỗ lực chăm lo đời sống đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội để người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Trên 4.200 lao động được giải quyết việc làm

Là huyện có có tốc độ đô thị hoá nhanh với nhiều dự án lớn của trung ương và của Tp. Hà Nội nên nhiều diện tích đất nông nghiệp của Thạch Thất bị thu hẹp. Nhằm ổn đời sống, đảm bảo thu nhập cho người dân trên địa bàn, chính quyền các cấp huyện Thạch Thất đã triển khai nhiều mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu năm 2016, đào tạo nghề cho 4.150 lao động, lãnh đạo huyện đã kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các trường, các doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, năm 2016, Thạch Thất đã đào tạo nghề cho 4.260 lao động đạt 102,7% kế hoạch năm. Trong đó đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 66 lớp với 2.254 lao động. Trung tâm dạy nghề huyện đào tạo nghề cho 142 lao động; Trường Cao đẳng nghề Trần Hưng Đạo đào tạo trung cấp nghề cho 70 học viên tốt nghiệp trung học cơ sở; 573 lao động được đào tạo nghề tại các doanh nghiệp; đào tạo nghề tại các làng nghề là 1.223 lao động.

Đồng thời với công tác đào tạo nghề, hàng năm UBND huyện ban hành Quyết định giao chỉ tiêu giải quyết việc làm cho các xã, thị trấn. Kết quả, năm 2016, Thạch Thất đã giải quyết việc làm cho 4.790 lao động đạt 101,5% kế hoạch năm, trong đó: Xuất khẩu lao động là 192 người; tham gia làm việc tại các doanh nghiệp là 1.288 người; vay vốn giải quyết việc làm là 1.057 người với tổng số kinh phí cho vay là 21,8 tỷ đồng; vào các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh là 2.153 người.

 

Khánh thành nhà tình nghĩa tặng Mẹ VNAH Đặng Thị Nhỡ, 92 tuổi, ở xã Thạch Xá

Chăm lo đối tượng chính sách

Năm 2016, kết quả điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn huyện có 2.744 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,3% và 2.186 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,2%. Ngành LĐ-TB&XH hướng dẫn các xã các xã, thị trấn phân tích nguyên nhân, thực trạng, nguyện vọng của hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng các giải pháp giảm nghèo bền vững. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện thẩm định, xét duyệt cho 869 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; Phối hợp với Tổng công ty Viettel, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Bưu điện Hà Nội lắp đặt miễn phí đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 2.505 hộ nghèo; Cấp 5.918 thẻ BHYT hộ nghèo, 9.221 BHYT hộ cận nghèo; Hỗ trợ hộ nghèo vốn sửa nhà, xây nhà... Kết quả đến tháng 11 năm 2016, toàn huyện đã giảm được 997 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 5,3% xuống còn 3,49%.

 Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Thạch Thất luôn quan tâm hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, động viên, tạo điều kiện cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Hiện toàn huyện  có khoảng 4.000 người có công (NCC) được hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện Thạch Thất luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng; thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời, chính xác chế độ.

Trong năm 2016, huyện đã huy động được 480 triệu đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ, thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách. Hỗ trợ xây sửa nhà ở cho 10 gia đình NCC với tổng số tiền là 755 triệu đồng, cấp 10.719 thẻ bảo hiểm y tế cho NCC. Đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 4 trường hợp… Dịp Tết Đinh Dậu ngoài xuất quà của Chủ tịch nước và Tp Hà Nội, lãnh đạo huyện quyết định tặng mức quà 700.000đồng/xuất tới các Mẹ Việt Nam anh hùng; mức quà 200.000đồng/xuất cho các cụ tròn 100 tuổi…

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần đảm bảo ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển vững bền của Thạch Thất.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh