THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:38

Thả lỏng giống lợn, lãng phí hơn 5.000 tỉ đồng/năm

Tha long giong lon, lang phi hon 5.000 ti dong/nam - Anh 1

TS Phạm Công Thiếu, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi

Không những thế, TS Phạm Công Thiếu, Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, tính toán: Việc thả lỏng quản lí SX lợn giống đang khiến nước ta lãng phí mỗi năm trên 5.000 tỉ đồng.

Với tổng đàn lợn khoảng 26 - 27 triệu con, mỗi năm xuất chuồng khoảng trên 50 triệu lợn thịt, Việt Nam hiện đang phải duy trì tổng đàn lợn nái tới gần 4 triệu con. Tính trung bình, năng suất sinh sản của đàn lợn nái nước ta chỉ đạt khoảng từ 20 - 22 con/nái/năm.

Trong khi đó, hiện các giống lợn nái ngoại, lợn nái ngoại lai… NK về cho năng suất sinh sản trung bình trên 26 con/nái/năm. Như vậy, chỉ cần nâng năng suất sinh sản của đàn lợn nái từ 20 - 22 con/nái/năm như hiện nay lên mức trung bình 26 con/nái/năm, cả nước sẽ giảm bớt được 1 triệu con lợn nái, nhưng vẫn đảm bảo để duy trì tổng đàn lợn thịt thương phẩm thường xuyên khoảng 26 - 27 triệu con.

Thử làm một phép tính: Chi phí để duy trì một lợn nái lai (hoặc nái ngoại) hiện vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/năm, cộng với chi phí để có một con nái từ khi cai sữa tới khi có thể phối giống lần đầu vào khoảng 5 triệu đồng/con. Tính ra, mỗi năm chúng đang lãng phí từ 5.000 - 7.000 tỉ đồng để duy trì 1 triệu con lợn nái mà đáng ra hoàn toàn có thể giảm bớt được nếu cải tạo được năng suất sinh sản và chất lượng đàn nái.

Vậy vì sao chất lượng đàn lợn nái của Việt Nam hiện nay thấp như vậy? Điều này có nguyên nhân chủ yếu do sự lỏng lẻo của quản lí nhà nước từ Trung ương tới địa phương về giống vật nuôi nói chung, trong đó có giống lợn.

Theo thống kê, cả nước hiện mới chỉ đáp ứng được từ 25 - 30% lượng lợn nái bố mẹ cần thay thế hàng năm có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Còn lại từ 70 - 75% số lợn bố mẹ thay thế hàng năm là do người dân, hoặc các cơ sở SX giống lợn tư nhân tự do để lợn cái thương phẩm lại làm lợn nái, không được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, phả hệ. Điều này khiến năng suất sinh sản của đàn lợn nái lẫn chất lượng con giống vô cùng lộ cộ. Tỉ lệ sống từ sơ sinh tới cai sữa rất thấp.

Không có nước nào mà nhà nhà, người người đều có thể SX lợn giống như nước ta. Chỉ cần một con lợn đực là có thể đi nhảy đực khắp vùng. Ai muốn nuôi lợn nái cũng được, thậm chí lấy lợn cái thương phẩm làm lợn nái cũng chẳng ai kiểm tra, ngăn chặn hay cấm lưu thông buôn bán con giống…

Trong cơ chế thị trường, chúng ta khuyến khích mọi thành phần kinh tế làm giống, nhưng SX giống phải là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, thậm chí phải rất nghiêm ngặt. Phải có hàng rào tiêu chí kỹ thuật, và phải giám sát được người làm giống có thực hiện theo quy định đó hay không.

Tha long giong lon, lang phi hon 5.000 ti dong/nam - Anh 2

Giá lợn tăng cao, nhưng người chăn nuôi khó có giống tốt để tăng đàn

Tư nhân cũng có thể nuôi lợn bố mẹ, ông bà cụ kỵ, rất tốt, nhưng anh phải đạt tiêu chí. Cơ sở đạt tiêu chuẩn thế nào thì mới được nuôi giống cụ kỵ, ông bà; cơ sở đạt tiêu chí nào thì được phép SX lợn bố mẹ…

Việc quản lí giống trước đây chúng ta đã làm rất tốt, nhưng sau này với cơ chế thị trường, chúng ta lại thả lỏng quá mức, khiến chất lượng đàn giống ngày càng đi xuống.

Theo TS Phạm Công thiều, hiện cả nước mới chỉ có 10 cơ sở giống lợn do Bộ NN&PTNT quản lí, với trên dưới 4.000 lợn bố mẹ, ông bà, cụ kỵ đảm bảo chất lượng được SX tại các đơn vị, DN có kiểm soát của Nhà nước, con số này quá nhỏ bé so với số lượng 4 triệu con lợn nái đang lưu hành. Muốn tăng thêm được đàn nái đảm bảo chất lượng, phải kiên quyết dẹp bỏ các đơn vị, cơ sở SX giống không đủ điều kiện. Ví dụ, kiểm tra cơ sở SX giống mà lợn bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được nhập từ các đơn vị có hồ sơ nguồn gốc giống ở trong nước, hoặc không có hồ sơ NK từ nước ngoài, thì kiên quyết dừng, cấm SX và lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Vậy làm gì để nâng được năng suất lợn nái để giảm đầu nái, chỉ còn cách có con nái tốt, năng suất tối thiểu phải được 24 - 26 con. Muốn thế, trước tiên phải quản lí tốt lợn đực giống. Bộ NN&PTNT hiện cũng đã thí điểm triển khai quản lí lợn đực giống tại 4 tỉnh Nam Định, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu và Phú Thọ.

Tuy nhiên, chương trình này mới chỉ dừng lại ở việc phân loại, thống kê lợn đực giống được kiểm tra nguồn gốc lai lịch lợn đực có năng suất thấp, và lợn đực giống chưa được kiểm tra, không rõ nguồn gốc. Hiện tỉ lệ lợn đực giống lấy tinh nhân tạo cả nước mới chỉ đạt có 15%, còn lại 85% lợn đực là phối trực tiếp. Nguy cơ cận dòng, thoái hóa rất lớn, dẫn tới năng suất lợn thịt cũng rất thấp.

Tới đây, trên cơ sở rà soát, rút kinh nghiệm từ chương trình thí điểm này, cần phải tiếp tục triển khai sâu hơn bằng việc kiên quyết loại bỏ các lợn đực giống không có lai lịch nguồn gốc hoặc có năng suất chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta đã có pháp lệnh giống vật nuôi, nhưng mới chỉ chung chung, chưa có chế tài cụ thể nên chưa có cơ sở để xử lí các cơ sở SX, kinh doanh giống lợn không đủ điều kiện. Việc cần thiết phải có hành lang pháp lý còn để các đơn vị, DN làm giống lợn chất lượng cao có “đất sống”, nghĩa là không phải ai cũng có thể SX lợn giống.

Thực tế ngay ở Viện Chăn nuôi, hiện các trung tâm SX giống lợn ngoại có năng suất sinh sản trên 26 con/nái/năm, chất lượng giống rất tốt.

Nhưng khổ là con nái SX ra tiêu thụ rất khó. Không phải do chất lượng lợn nái không tốt, mà bởi một số đơn vị đi mua lợn nái về, mấy năm sau cũng chẳng thấy quay lại, mà họ lấy ngay con cái những lứa sau làm lợn nái luôn, không cần thay thế nữa.

Do không quản lí được nguồn gốc lợn giống, nên trên thị trường, người ta cũng đánh đồng, không phân biệt được đâu là lợn bản địa, đâu là lợn ngoại, đâu là lợn lai ngoại, lai nội, lai nội - nội, lai ngoại - ngoại. Tất cả chỉ có thể được đánh giá bằng trực quan.

Theo Nông nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh