CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:57

Mang 7 con lợn rừng về xóm núi làm giàu

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 25 km về phía Đông, hỏi trang trại lợn rừng là người dân địa phương chỉ ngay đến nhà anh Nguyễn Văn Dũng - chủ sở hữu hàng trăm con lợn rừng lai. Sau bao năm bôn ba làm ăn ở các tỉnh thành, tích cóp cho mình được một số vốn anh Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi, xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) quyết định trở về thực hiện ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mới đầu anh dự định đầu tư làm trang trại nuôi lợn thường nhưng thấy hiệu quả kinh tế đem lại không cao, giá cả thị trường bấp bênh. Qua tìm hiểu thông tin trên báo đài, internet anh Dũng thấy có nhiều mô hình trang trại nuôi lợn rừng hiệu quả. Đến năm 2013 được người quen giới thiệu, anh quyết định đầu tư 20 triệu mua 7 con lợn. Khi đó xóm Suối Khách chưa nhà nào có lợn rừng nên gia đình, làng xóm còn lo cho anh và nghi ngờ sự thành công của lợn rừng mang lại. “Nhiều người khuyên tôi nên an phận thủ thường làm trang trại lợn an toàn, bởi cái xóm này từ bao đời nay có nhà ai nuôi lợn rừng đâu. Tôi thiết nghĩ muốn làm giàu mà cứ ngồi tính toán bao giờ mới giàu được, nên tôi mạnh dạn đầu tư”, anh Dũng nói.

Khởi đầu anh Nguyễn Văn Dũng cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi kinh nghiệm còn ít, chưa hiểu về đặc tính của con vật, anh trăn trở thao thức cả tuần trời. Với bản tính chịu khó hiếu học anh tự lên mạng tìm hiểu thông tin cách nuôi lợn rừng trên các diễn đàn nghề nông, hàng ngày anh ra thăm chuồng trại, tỉ mỉ chăm bẵm cho 7 con lợn của mình. Cũng may điều kiện thời tiết khí hậu vùng quê xóm núi phù hợp nên 7 con heo rừng của anh Dũng phát triển khỏe mạnh.

Anh Dũng đang cho lợn rừng ăn tại trang trại của gia đình.

Sau 4 năm tìm hiểu nhân giống, hiện nay trang trại của anh đã lên tới hàng trăm con với 3 giống lợn rừng khác nhau: lợn rừng Việt Nam, lợn rừng Thái Lan, lợn rừng Mường Khương Sơn La.

Anh Dũng cho biết một con heo rừng nái trung bình đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa cho ra 6 đến 9 con lợn con. Một năm anh cho xuất chuồng khoảng gần 200 con, bà con làng xóm muốn mua anh bán 80.000 đồng/kg, giá bán cho chủ cửa hàng khoảng 100.000 đến 120.000 đồng/kg, cao điểm nhất là dịp Tết một con lợn rừng nặng 20 kg sẽ được bán với giá 140.000 đồng/kg có khi lên đến 170.000 đồng/kg cao gấp 3,4 lần so với một con lợn 20kg thông thường. Nếu trừ chi phí anh thu lãi ròng hơn 300 triệu đồng/năm.

Đàn lợn rừng được thả hoang trong trang trại rộng 600m của anh Dũng.

Giờ đến với xóm Suối Khách người dân nơi đây không còn nghi ngờ về mô hình chăn nuôi lợn rừng nữa, ở làng ở xóm ai cũng hưởng ứng tích cực, nhiều hộ gia đình đã làm theo mô hình trang trại lợn của anh Dũng và thoát được đói nghèo. Khi có người muốn đến xem hay học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ tận tình bằng tất cả những kiến thức mình tích lũy được lâu nay.

Bà Bùi Thị Minh (hàng xóm của anh Dũng) chia sẻ: “Dũng là người cần cù chịu khó, gần gũi với bà con hàng xóm, ai muốn đến chơi tìm hiểu về lợn rừng là Dũng lại nhiệt tình chỉ dẫn không bao giờ giấu nghề”.

Nuôi lợn rừng giúp anh Dũng có thu nhập cao.

Nói về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, anh Dũng cho biết giống lợn này nuôi không quá khó, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Thức ăn cho lợn cũng đơn giản sẵn có trong tự nhiên như: rau, bèo, bẹ chuối, cỏ, cám, bắp… chi phí chăn nuôi thấp hơn lợn ta rất nhiều. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý tiêm phòng tẩy giun sán định kỳ cho lợn.

Ông Nguyễn Hữu Hiển - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Mô hình nuôi lợn rừng lai của anh Dũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, vài năm gần đây nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã lai giống thành công phát triển thành trang trại chăn nuôi quy mô. Trang trại nuôi heo rừng lai của anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ là điển hình của nông dân thời nay năng động, dám nghĩ, dám làm với quyết tâm vươn lên làm giàu vùng đất quê mình”. 

Sắp tới, anh Dũng dự định sẽ mở rộng diện tích chuồng trại lai tạo thêm nhiều giống khác nhau với mục đích sẽ tăng 2,3 lần số lợn hiện tại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh