THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:30

Tết ở chiến trường

Tết “xôm“ ngoài Bắc

Tết trong quân đội, những ngày  miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, tôi ở cao xạ quần nhau với máy bay Mỹ. Sống giữa lòng dân, giữa vựa lúa vựa rau Bắc Bộ, các đơn vị cao xạ ăn Tết đều rất xôm. Mỗi chiến sĩ ăn Tết từ  chiều ba mươi và tới sáng mùng một lại có bữa ăn Tết chính.

Cái Tết đầu tiên năm 1965, tôi ở đơn vị C559 thuộc E 220 đóng quân tại Văn Điển. Đơn vị giết lợn, làm đủ các món cho mâm cơm Tết,  hơn cả cỗ Tết ở nhà tôi. Cũng có đủ bánh chưng, măng miến, bóng xào. Anh nuôi còn nấu cả mấy mâm kẹo lạc, chia cho các khẩu đội. Các nhà lán bên cạnh công sự được vệ sinh sạch sẽ, có cả hoa mười giờ cắm trong cát tút đạn 37,  hay hoa đào dân quân làng Quỳnh Đô vào tặng. Lại cửa hàng mậu dịch thị xã Văn Điển vào phục vụ chiều Ba mươi, bán cho binh sĩ từ mứt, kẹo, trà, rượu chanh đến bao diêm, gói thuốc cho tới xà phòng v.v... Toàn các hàng nhu yếu phẩm hiếm hoi bên ngoài phải phân phối bằng tem phiếu.
Miền Bắc êm tiếng súng. Chúng tôi vào phía Nam. Những cái Tết của lính ở B ngắn nhưng cũng còn khá khi  “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam„. Thường dịp Tết là đầu mùa mưa nên các đơn vị ở Trường Sơn hay Quảng Trị kéo nhạu ra Quảng Bình ăn Tết, để hồi sức, chờ mùa khô lại kéo nhau vào, gọi là đi B ngắn.

Ăn Tết Quảng Bình ở Bố Trạch rất hiếm rau. Có Tết mỗi đơn vị được một con bò ăn Tết. Nhưng rau củ ở Quảng Bình rất ít. Địch vẫn đánh phá nên các loại hàng hóa đặc trưng Tết từ miền Bắc vào cũng hiếm. Chỉ là những bó rau muống cằn, những củ xu hào bé, già xào với thịt là may lắm, không còn là những món ăn đa dạng đặc trưng Tết dân tộc như hồi còn ở miền Bắc. Tuy nhiên vẫn còn là ăn Tết khi thịt thà nhiều. Anh nuôi tha hồ gói giò giã chả. Thậm chí có Tết mỗi tiểu đội còn có 1 chai rượu viện trợ của Đức. Thứ rượu hoa quả nhưng rất nặng độ. Nhưng khoái nhất là được xem phim, thậm  chí văn công biểu diễn. Năm ấy nhờ có văn công của Phòng không không quân vào mà tôi gặp lại bạn phổ thông: diễn viên Đắc Hương cùng lớp hay nhà văn Bùi Bình Thiết hôm nay, khi ấy anh ở đội tốp ca.

Báo tường- một "đặc sản" của Tết chiến trường

 

Và Tết đạm bạc ở chiến trường phía Nam

Những cái Tết khi vào sâu chiến trường phía Nam đạm bạc lắm. Đã đi B dài, tới muối, bột canh còn hiếm, nói gì tới Tết. Chúng tôi sống trên Trường Sơn rồi đánh nhau ở hạ Lào, lính đói rã họng. Nên mới có chuyện Tết về, mỗi sĩ quan được “bồi dưỡng„ bằng 4 viên đạn bởi có đạn là có thể đi săn kiếm lấy thịt.

Năm ấy, đánh nhau bên Lào vây hãm địch, tiểu đoàn chia cho mỗi đại đội 600 bạt Lào, đủ tiền mua một con lợn và một gùi gạo nếp. Tiểu đoàn thành lập một tổ 5 người, tôi là tổ trưởng đi xuống  núi vùng giáp ranh mua lợn, gạo nếp của dân Lào. Tục lệ Lào, đã vào trong bản thì bất luận là lính bên nào đều không được bắn nhau, nên chúng tôi ung dung vào bản mua đủ mỗi đại đội  một chú lợn và một ba lô gạo nếp khoảng 20 cân.

Ra khỏi bản, 5 đứa theo đường mòn nối đuôi nhau, lưng đeo ba lô gạo, tay cầm dây thừng dong lợn về hướng đơn vị. Đi khoảng một tiếng, trời còn sớm lắm, các khoảng rừng đầy sương trắng trôi ra từ các lũng sâu, đi cách nhau ba, bốn mét mới lờ mờ thấy lưng nhau. Tới một con đường cây hai bên rừng um tùm, đi đầu, tôi bỗng giật thót mình sững người khi thấy từ bụi cây một tên lính Lào (lính của quân đội hoàng gia Lào được Hoa Kỳ bảo trợ)* tay cầm khẩu AR 15 bất ngờ xuất hiện. Hai bên nhìn nhau không chớp mắt một giây.

 Địch! Tay trái tôi đang cầm dây dong chú lợn nên chỉ kịp đưa tay phải vớ cái báng súng AK 47 kéo thốc lên. Tiến thoắt thêm một bước, tôi vả ngay vào hàm thằng lính đang lơ ngơ cả cái báng súng. Nghe rõ tiếng rắc của  quai hàm bị vỡ. Thằng lính đổ gục xuống. Tôi quay đầu la to, hô:

-Địch. Chạy!

Chúng tôi chạy ngược lại con đường mòn khi mà theo bước chân chi chít vệt đạn AR 15 và trung liên. Đêm tối, các vệt đạt lửa cầy chi chít quanh người. Tôi vẫn chạy. Chạy một lát, tôi cảm giác ba lô mình nhẹ bẫng. Thì ra đã ba viên đạn đã găm trúng bao gạo và từ đó gạo chảy ra gần hết.

Hết tiếng súng bắn theo, tụi tôi mới tạt vào một con suối cạn và đi ngược lên kiếm chỗ nghỉ. Kiểm lại, không ai dính đạn, nhưng  chiến sĩ đi ngay sau tôi cũng bị mất gạo gần hết vì đạn địch bắn đuổi cũng ghim vào ba lô trên lưng anh như trường hợp của tôi.
Tập hợp anh em lại, đủ cả nhưng  tất cả các chú lợn đều không còn, khi chúng được thả dây, để người chạy thoát thân. Tôi ngồi suy nghĩ nhận định. Chúng tôi đã chạm vào đuôi đội hình phục kích của một tổ lính Lào. Nếu chạm vào đầu toán phục kích, tụi tôi chắc chết hết. Chắc tụi lính Lào vừa đổ quân xuống để phục đường vào các bản lớn?
Đã cả năm nay, toàn tiểu đoàn đói. Tết này, nghe tin có tiền mua lợn, cả tuần  nay, ai chả mong chờ miếng thịt được một bữa nhờn môi cho ngày Tết.  “Trở về tay không thế này, dù không bị kỉ luật, thì anh em nó cũng rủa cho tới chết.„ Con người ta trong chiến tranh, nhiều lúc cái chết không sợ hãi bằng cái đói. Bởi cái chết rất nhanh và không ai biết trước mà tránh được, còn cái đói thì dai dẳng, ngày nối ngày tháng nối tháng, nó tra tấn con người triền miên, nhất là ở cái tuổi thanh xuân đang dào dạt đòi hỏi.

Phải quay lại tìm lợn! Tôi, một thằng  lính giàu kinh nghiệm phân tích cho anh em yên tâm rằng, tụi lính Lào hay Thái Lan, cũng như lính VNCH đều áp dụng chiến thuật Mỹ dạy. Hễ hành quân mà chạm địch, thất bại là chúng bỏ ngay vị trí cũ. Mà lũ lợn Lào quen thói cứ thả ở đâu là quanh quẩn ở đó. “Phải quay lại tìm lợn!„
Ba bốn tiếng sau, tụi tôi quay lại, cắt rừng về nơi thả lợn. Nghe ngóng quan sát cẩn thận. Quả thật tụi lính Lào đã rời đi nơi khác.
Cũng may khoảng rừng mà tụi tôi mất lợn, một bên có con suối rộng nên tụi lợn không bỏ xa lắm. Rồi ba tiếng đồng hồ tìm mãi cũng gom đủ số lợn để quay về tiểu đoàn. Có hai chú bị dây quấn vào cây rừng cứ nằm yên một chỗ, thấy người là tru lên ụt ịt. Tết ấy anh em có miếng thịt kho nấu và tụi tôi tuy mất gần nửa tạ gạo cũng không bị kỉ luật.

Những nụ cười làm nên chiến thắng

 

Những năm chiến đấu quay về chiến đấu ở Tây Nguyên càng đói hơn. Tây Nguyên là nơi xa miền Bắc nhất nên vốn thường  hay đói. Mùa mưa, xe cộ không chạy tiếp tế quân lương được lại càng đói. Năm 1973, suất ăn hàng ngày tụt xuống, mỗi binh sĩ được hai lạng gạo/ngày. Gạo từ kho dự trữ mặt trận cấp đã để lâu ngày nên rất nhiều mọt. Mỗi lần vo gạo, mọt từng đám nổi lên, đen xì dày cả tấc. Tết 73 năm ấy, đại trưởng Khai bắn được con nai, phải chia đều cho toàn tiểu đoàn. Mỗi người lính Tết năm ấy cũng chỉ được ba bốn miếng, cả da lẫn thịt. Chúng tôi nằm trong rừng ở những cái lán lót cỏ tranh rét cắt da cắt thịt mong cái Tết qua đi.

Ăn Tết như thế nhưng chi đoàn vẫn tổ chức viết báo tường treo trong hầm đại đội. Thôi thì ăn Tết giấy. Tụi có ít văn chương tha hồ tưởng tượng, viết về những cái Tết khi còn ở Quê hương. Đọc mà não cả ruột và mới biết con người ta cần cái gì, mong cái gì thì nhớ mãi về cái đó.

Tháng 12-1974 tiểu đoàn chúng tôi hành quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Đóng quân giữa rừng khộp. Cả một cánh rừng toàn hoa phong lan, nom hệt như bắp cải, mọc đầy trên các cây cổ thụ trong rừng. Lính đói bạ cái gì cũng nấu ăn thử . Phong  lan bắp cải nấu lên nhớt không thể nhuốt nổi. Thôi thì cố nuốt cho đầy dạ dày.
Lệnh trên xuống, đây là chiến dịch lớn nên tuyệt đối không được nổ súng, không được đun nấu để giữ bí mật. Có hôm nai vào cả đơn vị trú quân lính gác nom thấy cũng phải nhịn bắn.

Tết cận kề lại hành quân. Lệnh ăn Tết trước khi Tết về để áp khu tập trung  quân đánh vào thành phố Ban Mê Thuột. Đại đội tôi được tiểu đoàn phân phối ăn Tết năm ấy vẻn vẹn đúng một cân thịt hộp. Khui hộp thịt ra, cán bộ đại đội phải đứng cạnh  nồi chỉ đạo, nấu với môn thục phơi khô từ mùa khô, lúc còn ở Gia Lai. Ninh mãi, ngoáy kỹ sao cho  môn thục và thịt tan hết vào nhau, thành thứ súp sền sệt. Đứa nào vớ miếng da chưa tan hết thì sung sướng lắm. Tôi nhìn anh em binh sĩ húp sì sụp mà thương quá. Họ mới mười bẩy mười tám đang sức ăn sức ngủ.

Ăn Tết như thế là xong. Tháng Ba, chúng tôi mỗi người một nắm cơm, một cân gạo và một vài hột muối cho vào túi đánh Ban Mê Thuột...

Phút nghỉ ngơi khi chiến trường im tiếng súng

 

Những cái Tết như thế rất bình thường ở chiến trường. Ăn xong những bữa cơm lễnh  loãng, nằm trên võng thiếp ngủ, đám lính già lại hay kể về cái Tết ở quê hương. Nào gói bánh, nào đụng lợn...Những câu chuyện mang cả nỗi khát khao, niềm mơ ước lẩn vào giấc mơ giữa rừng mưa đêm lộp độp. Tôi đã mơ thấy rõ ràng mùi bánh chưng thơm phức, cảnh mợ tôi bóc gói mứt và pha ấm trà mời cha tôi và các con quây quần bên bàn đón đêm Ba mươi ở Hà Nội. Tỉnh giấc, thấy sương giá lạnh ngắt trôi quanh võng,  cứ luyến tiếc mãi giấc mơ ấy...

 

(*Chú giải: Từ năm 1962, lực lượng Pathet Lào được sự ủng hộ của bộ đôi Việt Nam đã chiến đấu với quân đội  Hoàng gia Lào do Hoa Kỳ  bảo trợ.  Năm 1975, lực lượng Pathet Lào chiến thắng và thành lập ra nước CHDCND Lào ngày nay.)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh