Tết nhà giàn
- Dược liệu
- 16:02 - 27/01/2017
Vì biết lính đảo kham khổ, chịu nhiều thiệt thòi nhất nên đất liền đã dành cho họ những sự quan tâm đặc biệt. Có lẽ việc bám biển để bảo vệ chủ quyền của các chiến sỹ hải quân thì khổ, khó phải dành cho “dân nhà giàn”. Vời vợi giữa sóng nước, không dân, ngất nghểu sinh sống trên các độ cao dễ có trăm thước trên mặt biển nên có lẽ họ là những người cô đơn nhất. Và để xóa đi những cô đơn này, nhất là những ngày Tết, khi mà người ta luôn có xu hướng tìm về sum họp với gia đình, nên đất liền và lính hải quân luôn dành cho họ nhiều sự quan tâm nhất.
Thông tin họ được ưu tiên nhiều hơn, báo chí được cấp phát trước hơn và đặc biệt là quà Tết theo chế độ, quà Tết của đất liền gửi ra họ cũng được nhận sớm hơn. Những ngày này trên dặm dài mặt biển thuộc chủ quyền được ông cha ta khẳng định, những chuyến tàu với hai màu xanh, trắng riêng biệt cắm cờ đỏ sao vàng phần phật lướt sóng ra khơi. Trong các chuyến tàu ấy là hàng Tết, những thực phẩm thiết yếu được chuyển ra. Và trong các địa chỉ tìm đến để “cắt hàng” ấy lúc nào những cái tên nhà giàn cũng được người chỉ huy và cánh lính vận tải ưu ái đưa lên đầu bảng.
Internet được lắp đặt tại các nhà giàn đã “kéo” nhà giàn về “gần” hơn với đất liền.
Tết và vận chuyển hàng Tết ra các nhà giàn vào thời gian này có lẽ là khó khăn nhất. “Tháng ba bà già đi biển” thể hiện sự êm đềm của biển cả đã qua rất nhiều cữ độ. Mùa này là mùa biển động cùng những cơn gió trướng bất thường nên việc tiếp cận với các nhà giàn để trao quà, cung cấp hàng Tết nhiều lúc rơi vào tình trạng khó khăn dường như không thể khắc phục được. Có những chuyến tàu hàng dự định cặp vào một nhà giàn nào đó nhưng bất chợt sóng gió nổi lên. Thế là đành neo lại, trực chờ và canh thăm các con sóng đến từng phút, từng giờ. Biển cả bớt sóng lúc nào là tận dụng tối đa những thuận lợi này để mà giong ca nô để vội vã tiếp cận với các nhà giàn mà chuyển hàng.
Nhà giàn DK1 - 2 những ngày này dường như là nơi hứng và chịu sóng nhiều nhất. Từ xa trông lại, những đợt sóng lớn trùm lên dường như muốn nuốt gọn nhà giàn và các chiến sỹ quả cảm nơi đây. Lựa chiều sóng dữ, mất rất nhiều thời gian và công sức chúng tôi mới cặp được chân nhà giàn. Sóng đánh dữ dội, chiếc xuồng chở người và chở hàng trồi lên ngụp xuống đến cả chục thước sau mỗi đợt sóng dữ. Như những nghệ sỹ xiếc, theo lời chỉ dẫn và với kinh nghiệm chúng tôi cũng lên được nhà giàn.
Trái với sự giận dữ đến khó hình dung của biển cả, đón chúng tôi là những nụ cười đầy tự tin của cánh lính nhà giàn. Măng, miến, thịt, gạo nếp... và cả bia để đón Tết đã nhanh chóng được cấp phát và kê biên vào các cuốn sổ. Trung tá Kim Văn Mệnh, Chỉ huy nhà giàn DK1 - 2 luôn miệng cám ơn đất liền, cám ơn bà con và các đồng chí lãnh đạo. Kinh tế năm nay suy giảm, đất liền thắt chặt chi tiêu nhưng cánh lính ngoài này không bị bớt gì. So với năm ngoái, năm nay thực phẩm và quà Tết có vẻ tươm tất hơn.
Theo anh Mệnh, những năm gần đây, khi biển và thế mạnh trên biển được đầu tư mạnh, anh em ngoài này đón Tết không còn cảnh cô đơn, mỗi người ngồi một nơi nhớ đất liền, nhớ người thân hay nhớ vợ nhớ con nữa. Sóng Viettel đã phủ khắp các nhà giàn, lại được ưu ái và khuyến mại nên cánh nhà giàn cứ rinh reng mà nhắn tin, nhận các cuộc điện thoại từ đất liền gọi ra chúc và hỏi thăm chuyện Tết nhất của lính. Cũng sóng tivi, cũng đầu đĩa ca nhạc, hái hoa dân chủ, cánh nhà giàn còn vào internet để hội thoại, “chát chít” trực tuyến với người đất liền nữa. Theo anh Kim Văn Mệnh, tại Nhà giàn DK1 - 2, Internet cũng đã được lắp đặt cách đây khoảng 2 năm. Mọi thứ trao đổi với đất liền, kể cả nhận lệnh tác chiến và gửi các thông tin về tham mưu cũng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Có gì quan trọng, đất liền thông báo ra, chỉ vài phút sau thì lính nhà giàn đã tiếp cận và có thể triển khai nhiệm vụ của mình được ngay.
Tết ngày một cận kề, trên đất liền các loại phương tiện Nam - Bắc ngược xuôi thì trên mặt biển những ngày này các phương tiện vận tải của hải quân cũng hối hả lướt sóng vào ra với các đảo và các nhà giàn. Tàu xong nhiệm vụ hướng mũi vào bờ, tàu đang thực hiện nhiệm vụ quay mũi ra khơi rúc lên những tiếng còi chào nhau làm cho mặt biển cũng trở nên xốn xang hơn. “Cái lệ” của những con tàu trên biển vào dịp này thì ngoài nhiệm vụ chở hàng Tết còn có thêm nhiệm vụ chở những người lính trẻ măng ra biên chế cho các đảo và các nhà giàn. Người ra nhận nhiệm vụ thì hào hứng cùng sức trẻ, người chia tay thì bịn rịn vì thời gian ở lại đã gieo vào lòng họ những vấn vương.
Chuyển hàng ra nhà giàn những ngày cuối năm.
Nhà giàn DK1 - 10 đã ngần ngật những hàng Tết được cấp phát theo chế độ và người đất liền gửi ra. Mùa sóng này biển cả cũng không “quên” hành hạ những chiếc cột sắt của nhà giàn khiến nó rung lên bần bật. Trung tá Nguyễn Kim Bằng, chỉ huy trưởng nhà giàn nhìn khối hàng, khối quà mà tàu vận tải chuyển cho nhà giàn để anh em đón Tết nghẹn ngào nói: Đất liền quan tâm chúng tôi quá. Như thế này dù có khó khăn gian khổ đến mức nào, kể cả đánh đổi tính mạng của mình để giữ cho đất liền bình yên, giữ chủ quyền biển toàn vẹn anh em tôi cũng không nề hà.
Trong chuyến tầu chúc Tết các đảo này, cảm động nhất đối với tôi và mọi người có mặt, ấy là sự “ghé thăm” và “chúc Tết” những liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi thềm lục địa của Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Phúc Tần. Thế là đã hơn 20 năm, mùa Xuân và cái Tết, vì chủ quyền biển đảo, các anh đã nằm xuống. Như một ơn nghĩa, với tâm linh người Việt chi phối, nhớ ơn các anh nên các chuyến tầu qua đây đều dành thời gian thả neo để hương hoa cho các anh - những liệt sĩ cán bộ, chiến sỹ Hải quân chiến sỹ Lữ đoàn 171 - Vùng 2. Hơn 20 mùa Xuân các anh ra đi, vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi Tổ quốc, đồng đội, người thân các anh đều mong nhớ vào mỗi mùa Xuân, trong đó có những người vợ trẻ, những đứa con thơ chưa biết rõ mặt cha. Những tấm gương như Trung úy - Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng uý - Phó Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã cùng 8 cán bộ, chiến sỹ nằm lại nơi biển khơi không ai có thể quên và phải nhớ. Rồi những hình ảnh cao đẹp của Liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên, đảng viên Nguyễn Văn An, liệt sĩ - Chuẩn uý Lê Đức Hồng... hiện lên thật cảm động trước lời đồng đội dành cho các anh trước thềm Xuân mới.