THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:25

Tình muộn của lính nhà giàn

Cưới được vợ, tóc đã bạc

Một trong những người lấy vợ muộn nhất của nhà giàn DK1 là thiếu tá chuyên nghiệp, Vũ Huy Hoàn. Thiếu tá Hoàn cho biết: “46 tuổi mình mới cưới được vợ. Không phải mình kén cá chọn canh, nhưng cả năm đi biển, thời gian đâu mà làm quen, “tán gái”. Ngày chưa cưới vợ, nhiều người bảo mình hâm, nhưng thực ra, mình có tìm được người hợp nhau đâu mà cưới. Cưới được vợ, tóc mình đã bạc hơn phân nửa rồi”.

Sau khi học Trung cấp mật mã cơ yếu, Hoàn được điều về Tiểu đoàn DK1 và ra nhà giàn công tác. Tuổi xanh của anh cống hiến hết cho những ngày gian khổ ở nhà giàn. Hỏi, tại sao nhân viên cơ yếu, thời gian công tác ở nhà giàn lâu hơn so với những người khác? Hoàn cho biết: “Cơ yếu là ngành mật mã đặc biệt và liên tục thiếu người, nên việc thay, chuyển quân không dễ. Có khi, theo kế hoạch sau 12 tháng liên tục làm nhiệm vụ trên biển, được về đất liền, song không có người thay thế, nên tôi phải ở lại tiếp tục công tác thêm một chuyến tàu nữa, thậm chí là hai chuyến tàu (mỗi chuyến tàu từ trong bờ  tương đương thời gian 2 tháng). Các anh sĩ quan ở nhà giàn DK1 có vợ con ở ngoài Bắc như Hưng Yên, Cao Bằng, thường ưu tiên cho các sĩ quan trẻ nghỉ phép tìm vợ, còn họ ở lại nhà giàn có khi đến 2 năm, ăn hai cái Tết mới vào đất liền nghỉ phép”.

Nhà giàn DK1, nơi những người lính biển ngày đêm canh giữ biển trời

Ngày tháng trôi mau, tóc Hoàn điểm bạc mà vẫn “phòng không”. Tháng 12/2012, sau thời gian 10 tháng làm nhiệm vụ ở nhà giàn, Hoàn xin về công tác tại Ban cơ yếu Lữ đoàn 171 để có thời gian tìm hiểu và lập gia đình. Anh đồng hương cùng quê Nam Trực (Nam Định) thấy Hoàn “lận đận” trong chuyện tìm vợ, bèn giới thiệu cho một nữ công nhân làm nghề giày da. Ở cái tuổi 46 như Hoàn mà chưa có người yêu nghe chừng... khó tin, nhưng đó là sự thật. Quen nhau được hai tuần thì Hoàn trở ra nhà giàn làm nhiệm vụ.

Hôm chia tay trên cầu cảng Hải đội 812, Hoàn chỉ nói một lời “Chờ anh đi biển về chúng mình làm đám cưới”. Chị Nguyễn Thị Vân tiễn người yêu trong xúc động. Chị trở về trong niềm vui chờ đợi. Nỗi nhớ người yêu nén chặt trong từng đường kim, mũi chỉ.

Sau hơn 8 tháng lăn lộn với biển cả, tháng 8/2013, đám cưới của anh lính nhà giàn DK1  tuổi 46 với Vân được tổ chức tại nhà hàng Đông Xuyên (phường Rạch Dừa TP. Vũng Tàu) trong lời chúc tụng của bạn bè, đồng đội.

Mải mê bám biển, vợ đẻ quên về

Gần 20 năm bám biển, giữ nhà giàn, khi bạn bè cùng trang lứa đã lên chức bố từ lâu thì Thượng úy Phạm Văn Bảy, quây y sĩ hiện công tác tại nhà giàn DK1/12 mới “tập yêu”. “Ở cái tuổi “băm sáu nhát”, đi “cưa” đã khó, vì “quá ngưỡng”, cưới vợ càng thấy khó hơn. Thời gian trôi mau, tuổi thanh xuân Bảy giành hết ở nhà giàn này đến nhà giàn khác, thoáng đã thấy mình già. Một năm vào đất liền một lần, về Thái Bình thăm bố mẹ, chưa kịp có bạn gái phải vào đơn vị ra nhà giàn thay ca. Mỗi lần về quê, ai cũng hỏi “sao mày không lấy vợ đi, rồi “gửi” ông bà già mà đi biển. Nhưng thực sự, kiếm được người thông cảm với điều kiện liên tục xa nhà như mình đâu dễ. Có người yêu mình, nhưng khi nói phải chờ đợi thì họ lại “ngãng” ra”.

Thế rồi, người lính nhà giàn DK1 quê Thái Bình cũng lọt vào “mắt xanh” của thiếu nữ xứ Thanh vào Vũng Tàu lập nghiệp. Họ gặp nhau thật tình cờ trong một lần Bảy đi mua car điện thoại di động. Lần đầu tiên gặp cô chủ tiệm may, sửa quần áo “không tên” kiêm kinh doanh car điện thoại “không cao nhưng phải ngước nhìn”, Bảy “chết đứng”. Tim anh như mách bảo người con gái ấy là cái “ba ri e” để anh dừng lại. Cô gái không thanh về nhan sắc đã làm Bảy xiêu lòng vì cái chất hiền từ quê mùa.

Khi được hỏi: Hai người tìm hiểu bao lâu thì cưới? Bảy trả lời: Nói là gần một năm, nhưng chủ yếu qua thư và điện thoại. Quen nhau được hơn chục ngày, tôi đi nhà giàn, còn cô ấy ở nhà chờ đợi. Khi được cô ấy nhận lời. Cuối tuần nào cũng gọi điện cho nhau. Khi được cô ấy đồng ý làm vợ, từ nhà giàn tôi gọi điện về cho gia đình ở Thái Bình vào Vũng Tàu, gia đình tôi ai cũng mừng. Các chị gái tôi còn bảo “hoan hô thằng Bảy có vợ rồi.

Sau ngày cưới, Bảy đi nhà giàn, cô gái xứ Thanh Lê Thị Ngân ở đất liền tiếp tục với công việc bán car điện thoại và may quần áo. Khách đến may quân phục hải quân và mua car điện thoại chủ yếu là đồng đội của chồng. Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng Bảy- Ngân càng nhân lên khi họ có con gái đầu lòng, rồi thêm “cậu hải quân” nhí vừa ra đời chưa đầy tháng. Bảy tâm sự: “Do yêu cầu nhiệm vụ, lần vợ sinh con thứ hai này Tôi cũng không về được, nhưng ở nơi xa tôi luôn nhớ và yêu thương vợ con”.

Nói về hai lần “vượt cạn” không có chồng bên cạnh, chị Lê Thị Ngân chia sẻ: “Khi sinh con, điều hạnh phúc nhất là có chồng bên. Hai lần em vượt cạn, đều không có anh ấy bên cạnh. Nhiều lúc thấy tủi thân lắm nhưng biết làm sao được. Ở ngoài nhà giàn, chắc anh ấy cũng mong về lắm, nhưng vì nhiệm vụ ở lại. Chuyện vợ lính nhà giàn một mình “vượt cạn” đã trở thành bình thường rồi. Em mới sinh con trai thứ hai chưa đầy tháng. Anh Bảy cũng chưa biết mặt con”.

Lính nhà giàn niềm riêng bám biển

Những cuộc tình muộn của lính nhà giàn DK1 không chỉ thiếu tá Vũ Huy Hoàn, Phạm Văn Bảy, mà còn nhiều sĩ quan ở độ tuổi “trên hàng băm” vẫn hằng mong một ngày nào đó, tìm được người yêu để gửi gắm niềm tin, rồi yên tâm bám biển.

Trung úy, Võ Quang Thường, Chỉ huy phó quân sự nhà giàn DK1/10, bước sang tuổi 32 mà vẫn chưa tìm được “mảnh tình vắt vai”. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân 1, Thường được điều về nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ. Mỗi năm, Thường công tác ngoài nhà giàn 8 đến 10 tháng, có khi đến 14 tháng mới vào đất liền một lần. “Để tìm được người biết sẻ chia, thông cảm với điều kiện của lính nhà giàn không dễ. Nói đến yêu lính, nhiều người thích, nhưng nói đến khi phải chờ đợi, xa nhau biền biệt, năm gặp nhau một lần 30 ngày phép, thì nhiều cô băn khoăn không chịu”, Thường cho biết.

Cây đàn ghi-ta là người bạn thân thiết giúp các chiến sĩ nhà giàn vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Như một niềm tâm sự riêng của người lính nhà giàn ngày đêm bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Thường trải lòng tâm sự bằng những vần thơ: Chúng tôi sống gần mây hơn gần đất/ sóng mênh mông nửa nước với nửa trời/ gia tài chúng tôi duy nhất là thư/ hẹn với xa xôi yêu qua đài báo/ biết biển bao giờ yên lặng/ để lòng thu xếp chút riêng tư”.

Mai Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh