Tết này trên đất Mỹ
- Y học 360
- 23:06 - 18/02/2015
Tết trên đất Mỹ vẫn đủ các thức như ở Việt Nam
Chị giải thích: “Hàng nhập vào Mỹ toàn là đồ chất lượng cao, ở Việt Nam vào siêu thị cũng khó tin được. Chịu khó mang về, ăn uống yên tâm, không sợ pha tẩm hóa chất độc hại em ạ”.
Anh thì phân bua “Mình ở bên này lâu, sức đề kháng yếu nên về nhà hay bị ốm vặt. Mà ốm thì hỏng cả chuyến đi rồi còn gì nữa”.
Lần nào cũng vậy, cứ đi chợ là anh chị đến quầy của tôi tính tiền. Nếu tôi không đứng máy thì họ cũng phải tìm gặp bằng được, chào hỏi vài câu rồi mới ra về.
Ơ, nói thật nhé – tôi chẳng biết tên của họ đâu. Nhưng tôi luôn có những câu hỏi mà họ muốn được trả lời: “Tết này anh chị về Việt Nam không ạ”? – “Có chứ, cả nhà về hai tuần em ạ” – “Thế cậu cả đã ra mắt nhà gái chưa? Bao giờ anh chị cho bọn nó cưới”?...
Chị cười rạng rỡ: “Về đợt này là để dạm ngõ đây. Tháng Tư chúng nó sẽ thành hôn bên này, rồi sau đó về làm ăn ở Việt Nam em ạ”.
Chuẩn bị để gói bánh chưng
Anh chị sang đây từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, chịu khó vừa làm vừa học nên cả hai đều có bằng đại học và việc làm ổn định. Con trai lớn yêu cô nữ sinh xinh xắn thùy mị từ Việt Nam sang đây du học. Vì bố mẹ cô muốn con gái học xong về điều hành doanh nghiệp gia đình nên cậu cứ nài nỉ anh chị cho mình về Việt Nam mở công ty luật quốc tế. “Chỉ cần chúng nó hạnh phúc thôi, còn muốn sống ở đâu cũng được em ạ”, chị nói.
Anh chồng xen vào: “Đúng ý em quá rồi, sau này không phải làm Osin nấu cơm thay tã cho con chúng nó chứ gì”. Chị lại cười, nụ cười dường như chưa bao tắt trên gương mặt mãn nguyện.
Khách đông, tôi vội chào anh chị rồi quay sang tiếp tục công việc vô duyên nhất nước Mỹ là kiểm tra receipt/biên lai trả tiền trước khi cho ra cửa (!). Khách hàng vô cùng bất mãn trước sự khiếm nhã của siêu thị – nên tôi phải cầu tài cười rách miệng để gỡ lại chút thiện cảm với hàng trăm người qua lại.
Thấy một cậu khách quen đẩy xe ngất ngưởng với gần chục thùng bia Miller, tôi ghẹo: “Sao, cậu em Tết không về Việt Nam tìm bạn gái nữa à”?
Cậu ta nhăn nhó “Chị lại chọc vào nỗi đau của em. Chị biết là em thà ế cả đời chứ không lấy gái Việt nữa nhá”.
Cậu này làm thợ cơ khí lương không thấp, nhưng cũng chưa đủ để mua căn nhà trả góp. Tiết kiệm được mấy chục ngàn đô, chiều lòng mẹ, cậu về nước kiếm cho bà con dâu Việt chính hiệu nai vàng. Đưa nàng sang, cậu làm thêm job nữa nuôi vợ ăn học mấy năm trời.
Nhưng lúc có bằng đại học, vào được quốc tịch Mỹ, nàng bỏ cậu đi với tình yêu mới. “Công anh bắt tép nuôi cò. Đến khi cò lớn cò dò lên cây”, đau lắm! Mẹ cậu mỗi lần đi chợ gặp tôi lại sụt sùi mếu máo… Tết nhất hai mẹ con chẳng sắm sửa gì nữa, bà cũng mặc cho nó tha đầy bia về nhà nhậu nhẹt với đám bạn độc thân.
Thế là xong mẻ bánh chưng đón tết (ảnh Nhi Kieu)
Mỗi năm không khí đón Tết của cộng đồng người Việt ở đây càng chả khác gì ở quê nhà. Trước đây gia đình nào cũng cố tìm cho được cành đào, hộp mứt, cặp bánh chưng, đôi giò lụa … cho đỡ nhớ quê hương.
Nhưng từ thời Mỹ - Việt giao bang trở lại, hàng hóa trong nước nhập sang Mỹ từ cái tăm, quả cau đến thanh long, na bở… chả thiếu món gì. Rồi lượng người đến Mỹ theo diện nhân viên sở Mỹ, đoàn tụ gia đình ngảy một nhiều mang theo nghề gia truyền khiến cho đồ ăn thức uống chẳng kém gì sản xuất tại quê nhà, thậm chí còn ngon hơn nhờ nguyên liệu cao cấp và máy móc tân tiến. Bánh chưng bán quanh năm, mứt dừa, mứt sen bày ngổn ngang mọi siêu thị.
Với một số người, sự thèm khát khẩu vị quê hương không còn nữa. Và nỗi nhớ quê hương cũng nhạt dần sau vài chuyến về thăm. Một anh khách quen của tôi than vãn: Ngày trước thắt lưng buộc bụng, vay mượn tiền nong về quê được đón tiếp như ông vua bà hoàng. Vì ngày ấy bà con họ hàng trong nước còn nghèo, tờ giấy trăm đô còn có giá trị lớn, và món quà về còn được trân trọng cảm kích. Chứ bây giờ ấy à… Một bữa ăn tại nhà hàng sang trọng là đi đứt một tuần lương lao động ở Mỹ. Biếu 100 ngàn tiền Việt sẽ bị dè bỉu là đồ keo kiệt. Và nếu quà tặng mang nhãn hiệu Made in China, chắc chắn sẽ bị quăng vào góc tủ. Cày như trâu cả năm trời chưa đủ tiền cho một chuyến đi mà không khí đón tiếp như vậy thì Việt kiều nghèo như tôi không còn hứng thú hồi hương ăn Tết nữa.
Người giao hàng đẩy mấy thùng bánh Tổ, hạt dưa, mứt thập cẩm vào rồi chỉ chốc lát lại quay ra, lắc đầu: “Hàng cũ vẫn còn nguyên cô ạ”. Tôi ái ngại hỏi: “Hãng anh có tham gia hội chợ Tết để bán hàng không”. Anh thở dài hơn nữa: “Không. Năm ngoái vêu mặt cả hai ngày trời ở Hội chợ San Francisco mà bán không đủ tiền thuê lều bãi cô ơi. Chắc tụi tôi phải dọn sang miền Đông, bên đó ít hàng nội địa may ra mới tồn tại được”.
Không thấy anh mang lịch và quà tặng cho siêu thị, tôi cũng đã hình dung tình trạng làm ăn của họ ế ẩm lắm rồi. Tết năm nay rơi vào ngày thường trong tuần, vẫn phải đi làm, chẳng biết anh có chuẩn bị gì cho gia đình đón giao thừa không?
Gia đình tôi cũng vậy. Bà chủ vừa nhắc tôi làm thông báo cho khách rằng siêu thị sẽ mở cửa như thường lệ. Chồng không được nghỉ, con cái vẫn đi học. Tôi sẽ chẳng phải nấu nướng bày biện gì. Vậy là chỉ cần chuẩn bị mấy cái phong bì mừng tuổi là đủ!