THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

Những câu chuyện từ nước Mỹ

 

Kiếm sống

Hai đứa đến Mỹ với hai đôi bàn tay trắng. Chỗ dựa mong manh duy nhất là ở một người cùng quê sang Mỹ trước năm 1975, về làng và tỏ ra rất nặng tình với quê hương.

Bà sống cùng chồng, ông Mỹ già ít nói trong ngôi nhà rộng mênh mông vắng vẻ. Bà tỏ ra ái ngại khi chúng tôi ngỏ ý nhờ bà giới thiệu việc làm, vì bà đã nghỉ hưu, lâu nay không giao tiếp với cộng đồng người Việt.

Nhưng bà nói sẽ gọi phone hỏi em trai, một luật sư có tên tuổi và quen biết rộng.

Ngay sau khi nghe phone, luật sư ấy đã phóng xe đến gặp chị ngay,. Tuy nhiên, không phải để giúp chúng tôi, mà để báo cho bà chị sự nguy hiểm đang rình rập đe dọa. “Chúng nó lai lịch không rõ ràng, tại sao lại mở cửa cho vào nhà.

Những câu chuyện từ nước Mỹ

Các con của tác giả: Hà Nhung, Anh Nguyễn và thầy giáo tại buổi nhận phần thưởng của Tổng thống Mỹ.


Chúng nó là con cháu Cộng sản, kẻ thù không đội trời chung, tại sao chị lại giơ tay giúp đỡ”. Chúng nó... Chúng nó... và “chúng nó” nghe được, không đợi bà lên tiếng, thu xếp hành lý rời nhà sau bữa ăn trưa.

Rồi thì "chúng nó" cũng kiếm được việc làm ở siêu thị. Cái cửa tính tiền của cô vợ bị phần lớn người Việt tránh xa như có vi trùng hủi. Còn anh chồng, mỗi khi cất giọng Bắc, dân Nam kỳ ngó bằng một phần tư con mắt. Ngày ấy Việt - Mỹ vừa mới bình thường hóa quan hệ, sự xuất hiện của “cộng sản con” như chúng tôi gây nên chấn động trong cộng đồng Việt tị nạn.

Chúng tôi muốn lánh xa nơi có đông người Việt cư trú, may mắn tìm được việc làm mới ở một thành phố sương mù trên núi cao trong vùng vịnh, tưởng là có thể cách ly với thế giới bên ngoài.

Nhưng, dù tránh né, chúng tôi vẫn phải làm việc chung với người Việt. Có va chạm, có xích mích nhưng rồi cũng có được sự hiểu biết và cảm thông ngày một nhiều về cuộc sống của những người mình không ưa thích.

Những câu chuyện từ nước Mỹ

Chương trình giới thiệu văn hoá Việt Nam dịp Tết âm lịch ở American Museum of Natural History tại Manhattan, NYC.

Tương phản văn hóa

Đến Mỹ, những ngày đầu tiên cư ngụ trong khu ổ chuột ngoại ô Los Angeles rồi chuyển lên thành phố Oakland, hai vợ chồng ngạc nhiên vì xung quanh mình toàn là dân da vàng, nâu và đen nhẻm – Chả giống trong phim Hollywood gì cả!

Ngày nghỉ đầu tiên, mang đồ ra tiệm giặt – bỏ tiền vào máy rồi tự làm chứ không phải là thuê dịch vụ đâu nhé - trong lúc chờ, hai đứa ra ngoài ngó nhìn phố xá.

Chợt một thiếu phụ da đen đầu đầy tóc buộc hàng chục cái dây xanh đỏ vừa hát vừa nhún nhẩy trên đôi giày màu tím, chìa tay về hướng chúng tôi “cigarettes, cigarettes...” (thuốc lá). Xuân, chồng tôi lắc đầu quầy quậy “No smoking. No cigarettes” (tôi không có, không hút thuốc).

Hóa ra vừa chân ướt chân ráo tới đây đã có sư phụ nào đó dạy cho chồng tôi rằng “Đừng lại gần đàn bà xứ Mỹ, mình giúp nhưng nó ăn vạ, vu khống sàm sỡ là đền rỗng túi hoặc tù mọt gông. Ở đây đàn bà là nhất. Đàn ông còn sau cả chó mèo”.

Xuân bày tỏ sự ấm ức nhưng các bậc tiền bối đều cười khẩy: “Mày không tin cứ thử tạt tai con vợ mày đi. Cho dù nó im như thóc thì hàng xóm hay người qua đường cũng sẽ gọi cảnh sát tới xích tay mày ngay”.

Đàn ông Mỹ da càng trắng thì càng bạc nhược. Ở khu shopping bước ra, cha nào cũng tay xách nách mang trong khi lũ đàn bà thì ẽo ượt vung vẩy cái túi đầm. Thuốc lá cũng phải ngó trước ngó sau, tìm nơi vắng vẻ mới dám châm mồi hút vội, mà hễ có phụ nữ lại gần thì dúi ngay vào thùng rác.

Nói đến bia rượu lại là sự bức bối khác. Ở cái xứ Heineken rẻ như nước ngọt, Remy Martin Champagne, Blue Label Whisky chính hiệu đầy nhan nhản nhưng lại không được tự do uống, và chẳng có bạn nhậu thì có nỗi buồn nào buồn hơn.

Những câu chuyện từ nước Mỹ

Gói bánh chưng đón Tết ở Mỹ bằng lá chuối đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan. (ảnh Nhi Kieu) 


 21 tuổi mới được phép uống bia rượu. Mấy “sư phụ” coi trời bằng vung ở chỗ làm cũng phải lén chủ khui lon nhấp vài ngụm rồi nhét vào tủ lạnh giữa đống thịt cá rau cải...

Xuân đành phải uống một mình, sau khi đi làm về giữa đêm khuya thường lặng lẽ ngồi sau vườn, vừa ngắm những đốm đèn như sao bay lên xuống phía sân bay San Francisco vừa uống bia mà nhớ Việt Nam tê tái.

Thế rồi có một hôm, ngày cuối cùng của năm cũ, ông chủ nhà hàng phá lệ, cho nhân viên vừa làm vừa nhậu nhẹt...

Xuân ra về lúc nửa đêm. Oái oăm thay, gần đến nhà thì có xe cảnh sát rượt theo yêu cầu đỗ vào lề đường. Xuân bật đèn sáng trưng cho nhà chức trách nhìn thấy rõ trong xe không có đồ quốc cấm và ngoan ngoãn bước ra trình giấy tờ.

Anh cảnh sát non choẹt thấy vậy hài lòng, hỏi lấy lệ “Did you drink too much?” (Anh uống bao nhiêu?). Xuân lắc đầu quầy quậy, giơ ba ngón tay “No. Only three...”.

Với trọng lượng 70kg, phải uống trên bốn lon mới có lượng cồn trong máu vượt quá qui định. Anh cảnh sát trẻ xem bằng lái, định cho qua thì một bác mặt sắt đen sì bước tới chĩa cái máy đo vào mặt Xuân “Are you sure only 3 drinks ? Exhale, please” (Anh khẳng định là uống có ba lon thôi sao. Thở ra, xin cho kiểm tra...).

Gay rồi. Đúng là Xuân uống có ba lon bia, nhưng còn có thêm ít nhất là ba ly rượu, mà lượng cồn trong mỗi ly thì tương đương với ba lon bia nữa. Bị viên cảnh sát già ấn ống nhựa, Xuân luống cuống nhưng vẫn nhớ kinh nghiệm vàng của sư phụ – đẩy hơi thở qua khóe miệng.

Kết quả máy đo 0.72 thấp hơn qui định kiểm soát là 0.8. Nhưng mặt sắt không bỏ cuộc, yêu cầu Xuân giang tay đi trên vạch thẳng. Thôi rồi. Sát hạch này chưa có sư phụ nào chỉ dẫn mưu kế phá giải thành công cả.

Xuân làm động tác chim bay bước trên đường bập bềnh như đi trên chín tầng mây, chung chiêng nghiêng ngả.

Và thế là Xuân được biết hậu quả của sự vi phạm pháp luật Mỹ: Ba tháng đi học tác hại của việc uống rượu lái xe, hai tuần đi nhặt rác trong tụ điểm công cộng, đóng tiền phạt tương đương một tháng lương, và bảo hiểm xe tăng gấp ba lần.Những câu chuyện từ nước Mỹ

Bánh chưng ngày tết trên đất Mỹ được gói bằng lá chuối nhập khẩu từ Thái Lan (ảnh Nhi Kieu)


Xuân đắng lòng vì không thể ngờ hình phạt cho uống rượu lái xe lại nặng đến vậy.

Nếu vi phạm lần thứ hai sẽ bị giam trong tù từ 4 ngày đến một tháng, thời gian bắt đi học lên tới 18 tháng và bằng lái có thể bị treo tới 7 năm.Vi phạm lần 3 có thể ngồi tù tới 5 năm, bị phạt tới 15.000 đô hoặc cao hơn thế, xe bị tịch thu, bằng lái có thể bị treo vĩnh viễn.

Lời thề, chúng ta ai còn nhớ

Đưa con đi làm hộ chiếu. Vì con gái Hà Nhung chưa đủ 16 tuổi nên sau khi kiểm tra mọi chi tiết trên hồ sơ, nhân viên tiếp nhận hồ sơ, một bà Mỹ trắng yêu cầu bố mẹ cùng con gái giơ tay phải cao quá đầu, thề: “ Toàn bộ thông tin tôi cung cấp là đúng sự thật.

Nếu có bất cứ sự gian trá nào sẽ phải chịu tội trước pháp luật”. Trong giây phút quan trọng ấy, tai tôi tự nhiên lại văng vẳng câu “Thề cá trê chui ống” thời trẻ con, và bật cười vì một quốc gia văn minh như thế này nhưng vẫn giữ thủ tục hành chính của thời thượng cổ cho những sự kiện mang tính pháp lý quan trọng.

Thế nhưng chẳng cứ thường dân, mà ngay cả ngài Tổng thống đẹp trai tài giỏi Bill Clinton đã điêu đứng trước tòa, xém chút mất ghế tổng thống vì vi phạm lời thề trong vụ tèm nhem với nữ sinh thực tập Monica.

Với người Mỹ, lời thề trước pháp luật, cũng như chữ ký trên mọi giấy tờ văn bản, và lời hứa miệng trong các cuộc giao tiếp đều có chung một ý nghĩa: Cá nhân chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của bản thân.

 Nhờ vậy mỗi thành viên không phải gánh nặng, trở ngại mà là một động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nước Mỹ.

Hà Thiên Hương vốn là dân Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chị đã định cư tại Mỹ trên 20 năm. Từ ngày đầu bỡ ngỡ, non nớt của cô sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở  một đất nước vừa  bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, vợ chồng chị đã bươn trải trên đất Mỹ, tạo lập cơ nghiệp với hai đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, là một trong số những gương mặt nổi bật trong trường phổ thông.

Chị đã kể lại một vài trải nghiệm trên đất Mỹ với bạn đọc báo Lao động & Xã hội và thuviensuckhoe.org

HÀ THIÊN HƯƠNG (Từ California-Mỹ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh