THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:30

Con gà Đức cúng Tết Việt

Nhà máy nào hào phóng, quan tâm tới công nhân, họ lo cho cái Tết chu đáo lắm, cũng chỉ là phát quà Tết cho toàn đội được dăm két bia, chục chai rượu và, bình quân mỗi người một con gà.

Gà trong túi ni-lon không đầu, không cánh, không chân... tất nhiên gà ấy không phân biệt trống mái thì lấy đâu có hai hạt cà, nên mâm cơm cúng của đội lao động nom chán lắm.

Đêm ba mươi Tết, họp cả đội lao động trong phòng câu lạc bộ đón giao thừa, trưởng đội lao động khấn vái, hương khói và cái mâm cỗ không bánh chưng, thiếu xôi nếp, chỉ bát canh măng hay miến và chỏn lỏn một con gà bốn không như vậy, nom đúng là chả ra làm sao.

Sau khi bức tường Berlin sập, hàng hóa châu Á bắt đầu giao lưu với Đức nên mâm cúng Tết “rộn rã” hẳn lên. Nhờ các chuyến bay chuyên cơ mang hàng Tết tới các chợ châu Á ở khắp nẻo trên nước Đức, nên mâm cỗ Tết phần lớn na ná như mâm cỗ ở quê nhà.

Nói riêng về hàng Tết, từ ngày được đổ thẳng từ Việt Nam, Thái, Pháp, Mỹ sang hàng Tết cho dân ta thật muôn màu muôn sắc và đa dạng. Áp Tết, các bà các cô đua nhau tới chợ bán buôn người Việt, sắm sanh, tha hồ mua đồ chính quốc để làm nên mâm cơm thịnh soạn, hoành tráng cúng đêm Ba Mươi hay sớm mồng Một, hơn hẳn so với trước đây.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình chị Đào Như Lý, việt kiều Đức giờ đã có thêm con gà cúng.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình chị Đào Như Lý, việt kiều Đức giờ đã có thêm con gà cúng.

Thôi thì đủ cả, nào mứt Tết, bánh chưng xanh, giò lụa, nào chả quế, măng ninh, miến mọc v.v... Có gia đình, nếu năm ấy làm ăn xông xênh lắm đồng ra đồng vào, còn dinh về cho Tết và xuân cả cành hoa đào Nhật Tân tươi thắm, hay rước về chậu cây đầy những đóa mai vàng tươi roi rói từ Đà Lạt vừa chở sang,.

Đội lao động không còn nữa, nhưng nhiều hội đoàn người Việt rải rác khắp nước Đức được thành lập và mâm cơm tập thể cúng Tết cho người Việt cũng tươm tất như mâm cơm cúng ông bà ông vải ở từng gia đình người Việt.

Song riêng con gà vẫn cứ thuồn thuỗn “bốn không” thiếu cái lệ bộ cho đúng nghĩa “con gà cúng Tết” ở quê hương. Điều ấy với nhiều kẻ tha hương thì thật là áy náy với ông bà ông vải.

Thực ra nước Đức không thiếu gà. Kể cả loại gà Voi nặng tới bốn năm chục cân, hay gà nuôi ngô vàng nhẫy, mềm thơm gần bằng gà ta ở Việt Nam. Song le, việc giết mổ công nghiệp và thói quen tiêu dùng từ xưa của dân Đức vẫn là gà chẳng có chân, cẳng, đầu cánh, nên khi ông bà chủ đặt con gà lên bàn cúng, ngắm trước nhìn sau, dù mâm cỗ có ê hề thế nào vẫn chẳng an lòng, băn khoăn như người có lỗi.

Những gia đình ở các tỉnh lẻ gần các nhà dân chăn nuôi gia cầm bèn liên hệ với bè bạn người Đức tự giết mổ lấy một con gà trống để khỏi “lăn tăn” mâm cơm ngày Tết.

Việc giết mổ cũng phải kín đáo một chút, sao cho từ cắt tiết tới vặt lông, mổ gà phải kín đáo không cho bạn biết. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tìm một con gà mà tự giết mổ.

Vì ta ăn Tết mà người Đức không ăn Tết, nên thời gian chuẩn bị Tết eo hẹp lắm. Hơn nữa, với những ai sống giữa thành phố lớn bao la như ở Berlin, thì việc ra tận ngoại thành, “tăm” cho được một hai con gà sống, lại vận chuyển về nhà cũng nhiêu khê lắm.

Xuất phát từ nhu cầu cần có con gà cúng Tết của nhiều người Việt, nên mấy năm nay các cửa hàng Á Châu bắt đầu tổ chức cung ứng “con gà đủ lệ bộ” bán trong cộng đồng.

Chuyện bắt và giết mổ cũng phải vệ sinh và kín đáo, bởi vấn đề vệ sinh, bảo đảm môi trường sống của bạn thật ngặt nghèo và chẳng giản đơn tí nào. Vì thế, việc cung ứng gà tuy mang lại hiệu qủa kinh tế, song không phải ai cũng có điều kiện để cung ứng gà đầy đủ, kịp thời cho các cửa hàng.

Các nhà máy Đức thì không chịu làm cái dịch vụ này rồi, vì nhu cầu gà nguyên con, đủ lệ bộ có phải thường xuyên, quanh năm đâu. Như vậy việc “Gà bốn không” tất nhiên chỉ là việc nội bộ, khép kín trong cộng đồng người Việt.

Cành đào đón Tết (làm từ cành nụ táo tây gắn hoa đào giấy).

Cành đào đón Tết (làm từ cành nụ táo tây gắn hoa đào giấy).

 Cái việc tưởng là giản đơn ấy sinh ra cũng luôn kèm theo cách luồn lách luật kì khôi, khéo léo của cánh dịch vụ và cũng có chuyện cười ra nước mắt quanh việc này.

Tôi quen một người bạn lớn tuổi sống cách Belrin cả vài trăm cây. Nhận thấy nhu cầu gà Tết, khoảng trước Tết vài ngày, anh liên hệ với dăm gia đình chăn nuôi gia cầm trong làng (Dorf) nơi anh sống, gom mua được ít gà trống.

Phải là loại gà nặng từ cân tám tới hai cân, không được đạp mái nhiều quá. Năm ấy, anh giết mổ thử năm chục con gà, gửi một cửa hàng Châu Á. Thực may, số gà có đầy đủ lệ bộ, cả hai hột cà trắng phau và bộ ruột trắng tinh gói kèm theo được bán hết veo một ngày trước Tết.

Năm sau, thấy bở, anh lên kế hoạch từ mùa hè, đặt cho các gia đình nuôi gia cầm hơn hai trăm con gà trống theo tiêu chuẩn anh đặt ra và quyết định huy động vợ con vào cái phi vụ gà cúng Tết này.

Cận kề Tết dăm hôm, anh đánh xe con đi gom gà chuẩn bị giết mổ cũng như giao kèo cẩn thận với vài cửa hàng trên chợ của người Việt ở Berlin.

Gia đình anh sống trong một căn hộ năm phòng, tầng hai giữa chung cư mà cửa sổ nom xuống một mảnh vườn rộng. Năm ngày trước Tết năm ấy, buổi chiều anh và vợ tới các nhà đã đặt nuôi gà trả tiền và bắt gà.

Anh cho chúng vào các bao tải rồi lén lút xách lên nhốt vào phòng tắm, phòng bếp. Tất nhiên để chúng khỏi chết ngạt trong các bao tải, giữ cho chúng sống tới lúc cắt tiết, cho khi giao hàng, thịt phải tươi trắng, anh bạn tôi buộc chân đám trống cho chúng dúm dụm đứng chật hai phòng, chờ sớm hôm sau hành sự.

Khốn khổ, đang ở trong vườn rộng bỗng chớp mắt bị nhốt vào chen chúc trong phòng kín, lũ gà cứ lục cà, lục cục suốt đêm. Anh và vợ cứ đi ra đi vào tận khuya mới dám lên giường.

Rồi sớm ấy, mới ba giờ sáng, trong bọn gà mất dậy ấy, có một con dở chứng, vươn cổ dựng lông cất tiếng gáy rõ vang và dài. Sau tiếng gáy bất chợt mở đầu ấy, như có sự chỉ huy, cả dàn đồng ca gà trống, gần trăm chú đua nhau gáy vang trong căn hộ.

Mới có ba giờ, tiếng gà rộ lên, trong đêm yên tĩnh của xứ sở vốn đêm nào cũng lặng như tờ, thành một sự huyên náo chẳng bình thường. Lập tức mấy ông già bà cả người Đức nhớn nhác bật đèn, lắng nghe chuyện lạ gì xảy ra ở nơi từ xưa chẳng bao giờ huyên náo như sớm ấy.

 Lập tức, gia đình trên gác anh bạn tôi nhận ra tiếng ồn lạ kì kia phát ra từ căn hộ tầng dưới. Tất nhiên để phản ứng, người ta dậm chân thình thịch, báo cho gia đình bên dưới phải dẹp ngay tiếng ồn “vi phạm luật pháp” kia.

Lũ gà trong hai phòng hẹp, nghe tiếng nện thình thịch trên đầu càng trở nên “quân hồi vô phèng”, gáy nhiều hơn.

Anh bạn tôi cùng vợ bật dậy, lao ra khỏi giường ấm, hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó báo cảnh sát. Anh vội chạy ra toa-lét, thấy rõ những con gà “láo xược”, đuôi dài sặc sỡ đang nghển đầu với chiếc mào đỏ chót thi nhau gào lên, mặc kệ anh dậm chân, hoa tay dọa nạt.

Điên tiết anh nhảy xổ tới tóm ngay được một chú đang vươn cổ gáy thì chú bên cạnh lại phành phạch đập cánh và nhảy lên bậu cửa sổ. Bên kia bếp, chị vợ cũng không sao chỉ huy được lũ gà đang làm loạn.

Vô cùng lúng túng, trong khi thiếu bình tĩnh, anh bạn già quơ mạnh cái chổi lau nhà, mất đà lao thúc vào cửa sổ, làm vỡ tan cửa kính. Lũ gà với thói quen luôn tìm chỗ cao thoát thân, được thể bay rào rào khỏi toa-lét, vọt xuống khu vườn giữa nhà ở. Thế là trong đêm tối mấy chục con gà cứ thế bay vù vù làm náo động cả khu nhà...

Năm ấy tất nhiên bạn tôi bị cảnh sát tới lập biên bản phạt vi cảnh và cũng tất nhiên, anh mất tiêu cả chì lẫn chài định làm một cú cung ứng gà Tết cho dăm cửa hàng đã hẹn.

Ngày nay, nhiều cửa hàng thực phẩm Việt Nam đã tìm được nhiều phương thức giết mổ gà nguyên con hợp pháp cung cấp gà cúng cho người Việt ngày Tết. Và tất nhiên trên mâm cúng tổ tiên ông bà, ông vải đêm giao thừa của người Việt tại Đức không còn cảnh con gà trụi thui lủi nữa.

Đến ăn Tết với người Việt ở Đức, bạn sẽ thấy trên mâm cúng, giữa chả , giò, bánh chưng và bát măng miến, ninh mọc... một con gà trống ra gà trống, đầy đủ chân cánh, mồm ngậm một bông hồng vươn cổ đón giao thừa trong khói hương trầm thơm nức làm nên một phong vị khó quên ở xứ người...

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh