THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:00

Tết này con không về

Khó khăn của người Việt ở Ba Lan

 

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan vui Tết Ất Mùi

Với cộng đồng người Việt ở Ba Lan, chuyến về thăm nhà mỗi năm vào dịp Tết là “tập quán” văn hóa, tinh thần quan trọng. Nhưng mấy năm nay nhu cầu tưởng chừng “giản dị” này lại trở nên “xa xỉ” đối với nhiều người. Cùng chung hoàn cảnh với hầu hết các gia đình Việt Nam tại Ba Lan, năm nay gia đình Sơn lại không về thăm nhà và đón Tết. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008, Ba Lan khó tránh khỏi tác động tiêu cực. Mặc dù chưa năm nào chìm vào suy thoái, vẫn tăng trưởng dương và là điểm sáng duy nhất trong Cộng đồng EU, nhưng nền kinh tế Ba Lan phát triển chậm lại, thậm chí rơi vào trì trệ. Nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn tới buôn bán khó khăn xuất hiện đã mấy năm nay và ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều người tỏ ra bi quan khi không thấy đáy khủng hoảng.

Chưa hết, từ đầu năm đến nay đồng Rub Nga và đồng Hryvnia Ukraina rơi giá khiến hàng hóa nhập khẩu tính bằng đô la Mỹ trở nên đắt gấp đôi nên bạn hàng từ Nga và Ukraina không sang Ba Lan mua hàng nữa. Các Trung tâm Thương mại, các chợ nơi tập trung tiềm lực kinh tế của người Việt doanh số giảm, lợi nhuận kém.

Cùng hát để nhớ về quê hương

“Họa vô đơn chí,” cuối năm bỗng xảy ra chuyện biên phòng Ba Lan đưa tin sai lạc rằng, phát hiện hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc trong đó nghi có thịt chó tại các cửa hàng thực phẩm của người Việt. Chưa dừng lại, truyền thông Ba Lan rầm rộ phát tán tin chưa được kiểm chứng này trên hàng chục báo giấy và báo mạng, thậm chí còn suy diễn đầy ác ý là hệ thống quán bar, nhà hàng Việt sử dụng nguồn thịt này để chế biến món ăn, khiến thực khách Ba Lan lo ngại. Doanh thu của hàng trăm quán bar, nhà hàng Việt đột ngột giảm sút. Sau khi biết thông tin sai, nhiều tờ báo mạng đã gỡ bài nhưng chưa có báo nào chịu đăng lời xin lỗi và đăng bài cải chính.

Một tiết mục violon của hoa hậu người Việt tại Ban Lan

Chị Thủy quê Thanh Hóa, chủ một quầy bar gần trung tâm Warszawa tính nhanh: “Gia đình tôi bốn người, về Tết phải chi hết trăm triệu đồng Việt Nam riêng cho tiền vé máy bay, cộng thêm tiền quà, tiền chi phí ăn ở và đi lại khoảng năm mươi triệu nữa. Vậy là phải “để dành” được ít nhất một trăm năm mươi triệu đồng chúng tôi mới dám dắt díu nhau về “thăm mẹ.” Thời gian trước, hầu như năm nào cả nhà tôi cũng về quê ăn Tết. Năm nay làm ăn sa sút quá, thôi tôi đành đón Tết qua tivi vậy. Mấy ngày nữa cả nhà sẽ gọi điện về cho các cụ, đồng thanh ca bài “Xuân này con không về” Các cụ buồn, mình càng buồn hơn. Vì vào dịp Tết, bên này chợ búa đìu hiu, tiết trời lạnh lẽo, nỗi lòng cũng tê tái theo, anh ạ!” 

Một tiết mục múa, hát sôi động

Chỉ còn hơn một tháng nữa năm Giáp Ngọ sẽ khép lại để chuyển sang năm mới Ất Mùi vậy mà ngày 15/01/2015 Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ tuyên bố thả nổi tiền. Ngay lập tức Franc Thụy Sĩ chao đảo mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới. Trong ngày hôm đó Franc Thụy Sĩ lên giá hơn 40% so với zloty Ba Lan. Động thái này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hơn nửa triệu gia đình Ba Lan và hàng trăm gia đình Việt Nam vay Franc Thụy sĩ của các ngân hàng Ba Lan.

Buổi tối, chị Hậu một bạn hàng lâu năm gọi điện đến tôi mếu máo “Chắc chị mất trắng căn hộ cao cấp ở khu trung tâm Warszawa rồi, em ơi! Năm 2006 chị vay gần bốn trăm nghìn Franc Thụy Sĩ của Ngân hàng WBK trả chậm trong vòng 20 năm để mua căn hộ này. Lúc đó tỉ giá là 2,4zl/1frc, gần hai năm sau tăng lên 3,15zl/1frc và hôm nay là 5,2zl/1frc. Tám năm trời chị đã trả gần một nửa số tiền nhà bằng Franc, thế mà bây giờ số nợ còn lại tính ra tiền zloty còn nhiều hơn cả lúc mua. Có lẽ chị buông tay, đành trả lại căn hộ cho ngân hàng thôi, em ạ!”

Dù mấy hôm sau Franc Thụy Sĩ ổn định ở mức 4,1zl nhưng tôi biết rất nhiều gia đình người Việt vẫn phải buông tay trả nhà cho ngân hàng giống chị Hậu để quay lại kiếp ở nhà thuê như trước.

Không chỉ có mầu xám

Buôn bán khó khăn, cuộc sống ít nhiều chật vật hơn trước, nhưng không vì thế mà những sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Việt tại Ba Lan bị ngưng trệ. Người Việt ở đây, dù ai đó có thờ ơ đến mấy cũng không thể không biết cuộc biểu tình tuần hành có hơn bốn nghìn người tham gia diễn ra ngày 18/05. Thật khó có thể quên cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc xâm lấn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc nhân vụ Bắc Kinh neo thả trái phép giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa Việt Nam. Khó quên vì trước đó, biểu tình dường như là hoạt động xa lạ đối với cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Khó quên vì cuộc biểu tình đoàn kết được hầu hết các lực lượng chính trị. Khó quên vì cuộc biểu tình đã thu hút được lượng người tham gia đông đảo đến không ngờ. Khó quên vì người Việt xa xứ chợt nhận ra đằng sau những lo toan mưu sinh đời thường, luôn có những trái tim hướng về Tổ quốc thân yêu.

Người Việt ở Ba Lan tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam

“Xúc động lắm anh ạ, ngày hôm đó có điều gì thật lạ khiến em háo hức. Chưa bao giờ em được sống trong không khí náo nhiệt và hùng tráng đến thế. Ngay lúc này, hơn nửa năm rồi mà em vẫn ngỡ như vừa mới tham gia biểu tình chỉ cách đây vài hôm”.Vẻ mặt phấn khích, giọng nói của Tâm “quần bò”, 38 tuổi quê Bắc Giang trở nên sôi nổi khác thường trong lúc trải lòng với tôi.


Lòng sục sôi hướng về sự an nguy của Tổ quốc một lần nữa lại được hâm nóng. Ngày 29/06 cuộc biểu tình tuần hành cùng chung mục đích được tổ chức lần thứ hai đã thu hút khá đông đảo người tham gia.

Vụ “thịt chó” là dịp gắn kết cộng đồng thành một khối thống nhất. Việc thuê luật sư kiện cơ quan chức năng và truyền thông Ba Lan diễn ra trong sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người. Hiệp hội quán bar, nhà hàng Việt Nam đã ra đời sau sự kiện này.

Trong mọi hoàn cảnh, sinh hoạt tâm linh luôn là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng Việt. Cuối năm 2014, chùa Nhân Hòa hai tầng, rộng hơn năm trăm mét vuông trên khuôn viên gần bảy nghìn mét vuông được xây dựng từ nguồn tiền quyên góp của phật tử và cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã hoàn thành. Ngày 15/12/2014 chùa Nhân Hòa làm lễ ra mắt sư trụ trì, đi vào sinh hoạt Phật pháp ổn định.“Đây không chỉ đơn thuần là địa điểm sinh hoạt tâm linh của bà con, mà còn là điểm đến của cộng đồng để cùng góp phần giữ gìn, phát triển các hoạt động văn hóa mang bản sắc Việt Nam”-Một ông lãnh đạo Hội Người Việt tại Ba Lan tâm sự trong một buổi lễ chùa. Cộng đồng Việt tại Ba Lan ngày càng chú trọng đến sinh hoạt văn hóa.

Những đứa trẻ con em gia đình Việt kiều ở Ba Lan

Đó là giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ qua hình ảnh các lớp dạy tiếng Việt luôn đông đảo học viên. Đó là trại hè “Vui cùng tiếng Việt” tổ chức đều đặn bốn năm nay được nhiều người hưởng ứng. Đó là buổi liên hoan đêm giao thừa nhân dịp Tết Nguyên đán đầy sắc màu truyền thống dân tộc.

Câu chuyện để kết

Anh Phương- Việt kiều Mỹ vừa sang thăm Warszawa. Trước khi rời Ba Lan, anh đã kể lại câu chuyện mà anh cho là “ấn tượng nhất” với phóng viên báo Quê Việt: “Tôi đến một chợ bán lẻ, tình cờ gặp chị Lộc. Chị là diễn viên múa chuyên nghiệp sang đây đã 17 năm. Hàng ngày kể cả mùa đông giá rét, chị dậy từ 4 giờ sáng để đi bán hàng. Tôi hỏi “Nếu được chọn lại từ đầu, chị có bỏ Việt Nam để sang đây nữa không?” Chị thẳng thắn “Mỗi người một hoàn cảnh, mình phải biết chấp nhận số phận” . Tuy rất vất vả mưu sinh nhưng chị vẫn tranh thủ dạy múa miễn phí, truyền tâm huyết cho các “diễn viên không chuyên” và tích cực tham gia các sinh hoạt khác của cộng đồng. Tấm gương của chị Lộc thật là ấn tượng, chị giúp tôi soi lại bản thân mình.

Chỉ đôi ba ngày trong chuyến thăm ngắn ngủi, anh Phương biết được một chị Lộc. Và tôi cũng mượn câu chuyện sinh động này của anh để kết lại bài báo, bởi tôi biết chắc rằng, có rất nhiều chị Lộc như thế trong cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan.

Tác giả Trần Quốc Quân

             Tác giả Trần Quốc Quân sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, hiện là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ban đầu, ông chỉ viết từng phần hồi ký Em ơi Ba Lan đăng tải lên Facebook. Nhiều người sau khi đọc đã động viên ông viết thành tác phẩm văn học, nên tác giả dành thời gian để viết Tuyết hoang. Ngoài làm công tác cộng đồng, là doanh nhân, Trần Quốc Quân còn là người đồng sáng lập và viết bài cho báo Quê Việt - tờ báo của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan thành lập từ năm 1999. Cuốn sách được viết dựa trên những trải nghiệm của bản thân và những gì tác giả quan sát thấy trong gần 30 năm qua ở Ba Lan. Nhân vật Nguyên mang nhiều câu chuyện của chính tác giả trong đó.

Trong Tuyết hoang, Nguyên đỗ thứ năm toàn quốc để đi du học, đó cũng là kết quả tác giả từng đạt được. Sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự, tác giả đã quyết tâm học tập để đạt được mục đích, được đi du học, vừa để trau dồi kiến thức, vừa để có thể cải thiện kinh tế gia đình. Cũng giống như nhân vật trong truyện, bản thân tác giả nhiều lần làm nên cơ nghiệp rồi trắng tay, có khi nợ nần chồng chất. 

Bìa cuốn tiểu thuyết Tuyết hoang

Nhà biên kịch Trần Hoài Văn cho rằng Tuyết hoang là một tiểu thuyết kén người đọc. "Những độc giả thiếu kiên nhẫn có lẽ sẽ không đọc sang chương thứ hai, vì chẳng tìm thấy chi tiết giật gân, thu hút ở chương một. Thêm vào đó là tiết tấu chậm. Nhưng... bắt đầu từ chương hai tôi thực sự bị cuốn hút vào những mảnh đời tha hương, bươn chải nơi xứ người với bao nhọc nhằn, khó khăn, nguy hiểm. Tôi thực sự bất ngờ trước những góc khuất được tác giả khai phá qua những trang viết ngồn ngộn trải nghiệm, chất liệu cuộc sống". 



Trần Quốc Quân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh