CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:25

Tết Độc lập của người Minh Hóa ở Tây Nguyên

Hân hoan đón Tết Độc lập

Ngày 2/9/1945, sau nhiều cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam mới được hưởng trọn vẹn không khí độc lập, tự do, dân chủ.

Cùng chung vui với ngày lễ lớn nhất của đất nước, những người con đất Minh Hóa, Quảng Bình đã đi "kinh tế mới" lên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, ngày Tết Độc lập vẫn luôn được ông cha ôn lại cho các thế hệ con cháu trong những bữa cơm gia đình sum vầy.

Tính cả 2/9 năm nay, cụ ông Đinh Nghệ (93 tuổi, xã Ea Dắh) đã được hưởng trọn vẹn 75 cái Tết Độc lập. Đôi mắt sáng, dáng vẻ rắn rỏi, ông Đinh Nghệ vẫn nhớ như in ký ức ngày Tết Độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu bước lên đài lễ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. "Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tôi đã tròn 18 tuổi, đang làm công tác dân vận ở xã đội.

Tết Độc lập của người  Minh Hóa ở Tây Nguyên - Ảnh 1.

Treo cờ Tổ quốc mừng ngày Tết Độc lập. (Ảnh: TK)

Thời bấy giờ không có ti vi, chỉ có chiếc radio đặt trên bàn để cả xã cùng nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Có lẽ đó là giây phút thiêng liêng nhất, sung sướng nhất trong cuộc đời tôi. Cảm giác đó không ngôn từ nào có thể diễn tả…", ông Đinh Nghệ xúc động nhớ lại.Cụ Đinh Nghệ sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - cái nôi của cách mạng, cũng vì thế dòng máu cách mạng đã thấm vào cụ từ thuở ấu thơ. Lớn lên trong nghèo khó, cơ cực, trong sự đô hộ cai trị của thực dân phong kiến, cụ luôn nung nấu con đường hoạt động cách mạng, hoạt động giao liên, dân vận tại địa phương. Cụ nằm trong số ít người dân thời điểm đó được học con chữ.

Đón Tết Độc lập lần thứ 75, nhưng cụ vẫn ao ước được đón thêm nhiều mùa xuân độc lập với Đảng, với Tổ quốc. "Từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người dân cả nước nói chung và người dân huyện Minh Hóa nói riêng coi đó là ngày tết lớn nhất, thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Thời kỳ đất nước còn đói nghèo, khó khăn không có điều kiện để tổ chức mừng ngày Quốc khánh, người dân Minh Hóa chúng tôi chỉ ghi nhớ trong tim mình. Hòa bình lập lại, đất nước ca khúc khải hoàn, non sông thu về một mối, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, lúc này Tết Độc lập mới được người dân quê tôi tổ chức trọng thể", cụ Đinh Nghệ nói.

Theo cụ Đinh Nghệ, để tổ chức mừng ngày Quốc khánh, làng của cụ (ở Minh Hóa) người dân nghỉ 2 ngày, sau đó quyên góp gạo, heo, gà… cùng nhau nấu nướng, tổ chức các trò chơi dân gian để chung vui với cả nước đón Tết Độc lập. Giờ không còn tập trung đông vui như trước, tuy nhiên, những người con Minh Hóa vẫn không quên tổ chức bữa cơm sum họp gia đình, dù ai đi đâu xa, làm gì cũng nhớ về bên mâm cơm ấm cúng mừng Tết Độc lập của dân tộc.

Tết Độc lập của người  Minh Hóa ở Tây Nguyên - Ảnh 2.

Thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Tết Độc lập. (Ảnh: TK)

Nét đẹp văn hóa của người Minh Hóa

Trên địa bàn xã Ea Dắh, các hộ dân người Minh Hóa chiếm hơn 50% dân số. Theo cụ Đinh Nghệ, do cuộc sống ở ngoài quê khó khăn, nên mới cùng người dân trong làng khăn gói lên vùng kinh tế mới Đắk Lắk. Trải qua gần 30 năm gắn bó với vùng đất mới, nhưng các nét đẹp bản sắc văn hóa vùng miền vẫn được người dân Minh Hóa gìn giữ và lưu truyền. Đặc biệt, người dân nơi đây năm nào cũng hân hoan mừng ngày Tết Độc lập trong không khí ấm ấp, trang trọng và ý nghĩa.

Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, ấm áp, ông Đinh Sông Hồng (62 tuổi, con trai cụ Đinh Nghệ, trú xã Ea Dắh) cho biết, gia đình ông làm nông nghiệp, công việc đồng áng bận rộn quanh năm. Thế nhưng, cứ đến ngày 2/9, gia đình lại tổ chức một đến hai ngày nghỉ để đón Tết Độc lập. "Đối với chúng tôi ngày Quốc khánh 2/9 được xem là ngày lễ trọng đại nhất. Có thể nói đây là nét đẹp truyền thống. Tôi cũng như các thế hệ con cháu sau này sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp này", ông Hồng chia sẻ.

Tết Độc lập của người  Minh Hóa ở Tây Nguyên - Ảnh 3.

Người Tây Nguyên vui mừng đón Tết Độc lập. (Ảnh: TK)

Theo ông Hồng, một thứ quan trọng nhất không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của người dân là lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi gia đình đều có sẵn một lá cờ, gần ngày lễ sẽ cắm cờ ở nơi cao ráo trước cổng để cùng làng xóm hân hoan đón Tết. Tiếp đó là không khí sum họp gia đình, trừ những người đi làm xa không về kịp, còn lại đều về để sum vầy bên mâm cơm, chén rượu trong ngày Quốc khánh. "Để tưởng nhớ công ơn của ông bà tổ tiên, những người đã hy sinh xương máu, mang lại độc lập tự do cho các thế hệ con cháu, trong ngày lễ này mâm cơm, nén nhang thơm, chén rượu dâng lên bàn thờ là điều quan trọng không thể thiếu", ông Hồng cho hay.

Theo cụ Đinh Nghệ, việc tổ chức ngày Tết Độc lập không chỉ mang nét đẹp truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Trong mâm cơm sum vầy, ấm áp của ngày này, các thế hệ con cháu được lớp cha ông ôn lại những trang sử hào hùng về việc giữ nước chống giặc của dân tộc. Thông qua đây nhắc nhở thế hệ sau này phải luôn học tập, phát huy truyền thống cao đẹp của cha ông, luôn ra sức phấn đấu, rèn luyện học tập để cống hiến một phần công sức trong sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Chia tay những những con người thân thiện nơi đây trong buổi chiều muộn, lòng chúng tôi sung sướng đến lạ thường, dường như trong tim ngân lên hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

Ngọc Giang-Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh