Ký ức về những ngày Tết độc lập
- Văn hóa - Giải trí
- 17:28 - 02/09/2017
2/9/1945: Ngày vui chưa từng có bao giờ
Từng nổi tiếng với tác phẩm như Thư nhà, Cỏ non, nhà văn Hồ Phương là nhà văn quân đội đầu tiên được phong tướng. Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc nên các tác phẩm của ông hầu như đều gắn với thời kỳ oanh liệt sôi nổi ấy.
Sinh năm 1930, đúng thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, nhà văn Hồ Phương từng giấu gia đình, bỏ học trường Bưởi, để sang học ở trường Phan Chu Trinh chỉ để theo các bạn tham gia những hoạt động cách mạng. Đến giờ, khi nhớ về những ngày mùa thu lịch sử năm 1945, nhà văn Hồ Phương vẫn nuối tiếc vì đã không có mặt ở Hà Nội trong ngày 19/8, ngày khởi nghĩa giành chính quyền, bởi trước đó mấy hôm, ông về Thái Bình, nơi cha ông đang làm việc. “Ngày 20/8, tôi mới về Hà Nội. Thành phố lúc đó vẫn còn nguyên không khí đông đúc, tưng bừng, náo nhiệt, còn nguyên không khí vui tươi, phấn khởi vì đã giành chính quyền thành công. Tôi còn nhớ, có anh thanh niên vui sướng quá, cởi phăng cả áo rồi lăn mình trên những đám cỏ” - nhà văn Hồ Phương vui vẻ nhớ lại.
Sau khi trở về, chuẩn bị cho mít tinh khối thanh niên, phụ nữ, ông tham gia tập hát những bài hát như “Du kích ca”, “Hừng đông”, “Diệt phát xít” và cùng một nhóm thanh niên tham gia biểu diễn hoạt cảnh “Đánh giặc dưới hồ Gươm” cùng nhóm học sinh trường Bưởi, trường Phan Chu Trinh. “Những ngày đó, khắp nơi sống trong không khí hội hè, một thứ hội hè vô cùng khác lạ. Mọi người đối xử với nhau chan chứa tình cảm. Lúc ấy, nghe tiếng gọi đồng chí, đồng bào vang lên thân thiết lắm, nghe thiêng liêng và xúc động vô cùng” - nhà văn Hồ Phương xúc động kể.
Các đoàn quân tập trung trước cổng Nhà hát lớn Hà Nội ngày 30/8/1945 để chuẩn bị của ngày Quốc khánh
“Đêm trước 2/9/1945, cả Hà Nội dường như không ngủ. Ai cũng háo hức vì sắp được nhìn thấy Bác Hồ, người mà trước đây mọi người mới chỉ được nghe nói đến chứ mấy ai được nhìn thấy. Đến sáng 2/9/1945, Hà Nội tưng bừng không khí của ngày hội lớn. Cả Hà Nội rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Từ mọi nẻo đường, hàng vạn người đổ về vườn hoa Ba Đình để dự ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc. Dòng người vừa đi vừa hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Việt Minh!”. Khắp nơi vang lên các bài “Diệt phát xít”, “Du kích ca”, “Tiến quân ca”...
Nhà văn Hồ Phương kể, cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in, vóc dáng, cốt cách cao quý nhưng vô cùng gần gũi của Bác Hồ khi xuất hiện trên khán đài ở Quảng trường Ba Đình ngày hôm đó. “Vì còn nhỏ, nên tôi đã len lỏi vào nơi gần nhất có thể để được nhìn Bác rõ hơn. Lúc đó, Người mặc bộ quần áo ka ki, đi dép cao su, vô cùng giản dị. Sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đọc lời thề: “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ”, tôi cũng hô vang câu “Xin thề” theo biển người dự mít tinh hôm đó.... Sau đó tôi và đám trẻ con, thiếu niên trong phố thì vui hơn, vì ngày hôm đó cả khu phố tôi ở (phố Lò Sũ hiện nay) nhà nào cũng làm mâm cơm cúng, hay có chút bánh kẹo thắp nén hương kính báo tổ tiên là nước mình đã được độc lập, tự do, thế nên chúng tôi được một bữa đánh chén ra trò” - nhà văn Hồ Phương vui vẻ kể lại và cho biết, chính những gì ông chứng kiến, được tham gia trong những ngày mùa thu tháng Tám, trong ngày lễ Quốc khánh 2/9/1945 đã để lại trong ông những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó cũng là khởi nguồn cho ông sáng tác những tác phẩm văn học, những truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết sau này.
Tết Độc lập: Vui nhất là được xem diễu binh và bắn pháo hoa
Là thế hệ sinh sau cách mạng tháng Tám nhưng họa sĩ Thành Chương vẫn nhớ khá nhiều kỷ niệm về những ngày Tết Độc lập ở Hà Nội. Khi đó, gia đình nhà văn Kim Lân (bố của họa sĩ Thành Chương), sống ở Hạ Hồi, khu vực trung tâm của thành phố nên nơi gia đình ông sinh sống ngập tràn không khí của ngày lễ với nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra. Họa sĩ Thành Chương nhớ lại:
“Ngày đó, cứ đến 2/9, không chỉ trẻ con mà cả người lớn đều hào hứng chờ đợi được xem duyệt binh và bắn pháo hoa ở bờ hồ. Thường thì đoàn duyệt binh tập trung tại Quảng trường Ba Đình, sau đó tỏa ra các ngả đường chính và đi về hướng bờ Hồ. Mà ngày xưa thì đoàn duyệt binh dưới con mắt của chúng tôi nó đẹp và oai hùng lắm. Họ vừa đi vừa hát bài “Vừng đông hừng sáng” theo nhịp quân hành “Kìa Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa/ Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao...” Tiếng hát hùng ca ấy lại có tiếng chân rầm rập bộ đội theo nhịp diễu hành, tiếng trống, tiếng kèn làm lũ chúng tôi mê đắm, cứ theo đoàn diễu binh đi mãi, đi mãi.
Tôi nhớ là mình đi cả ngày, sáng thì mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, sau đó về nhà để đón đoàn duyệt binh. Nhà tôi ở Hạ Hồi, đoàn duyệt binh từ Quảng trường Ba Đình sẽ tràn về theo đường Trần Hưng Đạo. Lũ trẻ chúng tôi lúc đó vừa ăn vừa ngóng xem đoàn duyệt binh đã về qua chưa, cứ thấy ồn ào là bỏ bát bỏ đũa chạy ra xem.
Sau này, không còn thấy cảnh duyệt binh như thế nữa, cũng rất tiếc và rất nhớ. Nhớ cái cảnh đến bữa ăn vội ăn vàng, nhớ cái cảnh phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa để đón khách ở quê ra. Những ngày đó, nhà tôi khách đông kinh khủng, mà hầu như nhà nào cũng thế, đầy khách ở quê ra, họ ra để xem duyệt binh và ngủ lại để xem pháo hoa. Đến chiều tối, chuẩn bị đến đoạn bắn pháo hoa là tất tả ăn uống và í ới gọi nhau để kéo cả lên bờ Hồ. Phố phường đâu đâu cũng rộn rã ầm ĩ tiếng trẻ em, đúng như một ngày hội. Náo nức! Mùng 2/9 năm nào cũng vậy, bờ Hồ kín đặc người ngồi chờ để xem pháo hoa...
Hà Nội hôm nay rực rỡ cờ hoa trong ngày Quốc khánh
Cũng như người bạn của mình - họa sĩ Thành Chương, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cùng gia đình cũng từng đón rất nhiều cái Tết Độc lập ở Hà Nội. Là con trai một họa sĩ Đông Dương có tiếng từ thời Pháp thuộc, gia đình ông khi đó thuộc dạng khá giả và ấn tượng về ngày Tết Độc lập với một đứa trẻ như ông khi đó là những bữa ăn ngon đặc biệt so với những ngày thường. “Ngày Tết Độc lập là một bữa tiệc thịnh soạn, cả nhà quây quần ăn vào bữa chiều. Thế nào cũng mở một chai rượu Pháp cho cậu tôi, mà mợ tôi để dành từ trước năm 1954 còn sót”. “Sớm tinh mơ là í ới hẹn hò với đám trẻ em ở khu Chợ Giời. Bạn tôi từ Chợ Mơ cũng hẹn từ đêm để sớm sau lên cùng đi với tụi tôi. Lũ trẻ chúng tôi kéo nhau lên Bờ Hồ xem duyệt binh, khi về mở mâm cơm ra là thấy có nem, có thịt gà, thích lắm. Nem mợ tôi cuốn rất ngon, cứ ròn tan trong miệng chứ không như những cái nem bây giờ, cứ nguội là ỉu xìu. Đối với những đứa trẻ như tôi, những bữa ăn như thế thực sự là “nhất quả đất!” Không những thế, những ngày đó khi đi chơi, tôi còn được cậu mợ cho một ít tiền ăn kem, ăn bánh gối, nộm thịt bò ngon mỹ mãn, hay xem phim Tarzan chiếu trong cái thùng cơ động của những người Tàu buôn bán dạo. Những thứ đó xung quanh Bờ Hồ nhiều lắm...
Sau năm 1960, chiến tranh ngày càng ác liệt, cả nước dành mọi nguồn lực ưu tiên dành cho miền Nam, đời sống của người dân cũng ngày càng khó khăn hơn. Lương của bố tôi, một công chức lưu dung từ gần 200 đồng xuống còn 90 đồng, thì mâm cơm trong ngày lễ Độc lập cũng không còn được như xưa nữa. Có lần, đi xem diễu binh về, mở mâm cơm chỉ có 4 miếng thịt kho và đĩa rau muống xào, lúc đó tôi buồn lắm. Bởi đã thành lệ mà. Tôi chờ một bữa thịnh soạn như mọi năm. Trẻ ranh nên không biết sự khó khăn oằn trên vai của mợ tôi! Nhưng nói thật, như thế vẫn còn sung sướng hơn vạn lần đời sống của những người lính trong chiến trường. Chỉ đến khi đi vào miền Nam, trên Tây Nguyên, những năm tháng mùa mưa đói rã họng, tôi mới biết điều đó. Tôi còn nhớ trước trận đánh Buôn Ma Thuột, chúng tôi ăn Tết trước mấy tháng, gộp cả ngày Quốc khánh cùng với Tết âm lịch luôn. Mỗi đại đội chỉ được một cân thịt hộp. Và anh nuôi đổ 1 cân thịt vào nồi quân dụng, lấy đũa cả khoắng tan hết ra, không còn nhìn thấy miếng thịt đâu nữa, cả bì lợn cũng tan thành nước tất! Sau đó lấy rau môn thục được cắt phơi khô từ mùa hè, xé ra cho vào ninh lên thành một nồi cháo sền sệt và múc cho mỗi người một bát ăn cơm. Tôi là chỉ huy, nhìn binh sĩ ăn để bước vào chiến dịch, một sống hai chết, mà thương chúng và thương mình, vì chợt nhớ tới những ngày ăn Tết Độc lập ở Hà Nội”. Chúng tôi ăn cả phong lan. Loại phong lan nom tựa như bắp cải ở rừng sâu nhiều lắm. Ninh ra, miếng lá nhớt ơi là nhớt! Gian khổ thế, khó khăn lắm, nhưng những người lính trẻ không hề kêu ca. Đứa nào được anh nuôi múc cho súp ấy, còn sót một xơ thịt, bé như cái tăm, hay miếng bì chưa tan bằng cúc áo, là khoe ngay với bạn hắn. Có cậu lính trẻ người Hàng Đào ngậm trong miệng một lúc, bảo “cho nó được lâu cơn sướng” rồi mới nuốt. Bây giờ nhớ lại vào dịp lễ Độc lập nhiều khi tôi vẫn khóc.
Mà kì lạ thế! Nhớ lại thì khóc, nhưng khi ấy trong những ngày Tết Độc lập, giữa chiến trường gian khổ và ác liệt như thế, chúng tôi vẫn hát, vẫn đọc thơ anh Phạm Tiến Duật, thơ Tố Hữu để chào mừng ngày Quốc khánh... Bữa đó, ở đại đội, tôi đọc thơ Phạm Tiến Duật cho binh sĩ nghe, còn họa sĩ Lý Sơn được điều lên trung đoàn thì vẽ bức tranh Bác đang cùng chúng cháu hành quân dài hơn 3m, cao 2 m... Sơn học Yết Kiêu nên vẽ tả thực rất sinh động, mà ở bộ đội chỉ được phép vẽ sao cho giống, cho oai hùng”- nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ lại...
72 năm trôi qua - một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay, cái cách mà người ta đón cái Tết Độc lập bây giờ cũng khác xưa nhiều nhưng giá trị của độc lập, tự do thì vẫn nằm sâu trong tâm khảm mỗi người. Những ngày cuối tháng Tám này, Hà Nội đã chớm thu, chắc hẳn toàn thành phố vào những ngày tới sẽ ngập tràn cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu và màu cờ Tổ quốc sẽ lại đỏ rực trên các khắp các tuyến phố trong ngày lễ đặc biệt của toàn dân tộc...