THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:49

Tết Đoan Ngọ - Nét đẹp văn hoá Việt

Ý nghĩa tết mồng 5 tháng 5

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết Nửa Năm. Đoan là mở đầu; Ngọ là giữa trưa, là lúc khí dương đang thịnh... Xét về địa bàn thì Ngọ ở vào phương Nam, mà cung Ngọ thuộc dương và tháng 5 cũng là tháng Ngọ, do vậy tháng 5 âm lịch là tháng khí dương tràn ngập.

Tết Đoan Ngọ là lễ tết lớn của người Việt Nam được tiến hành vào chính giờ Ngọ giữa trưa ngày mồng 5 tháng năm Âm lịch hàng năm. Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Nghi thức cúng lễ và tập tục ngày Đoan Ngọ của người Việt
Tết Đoan Ngọ đã trở thành Tết truyền thống. Các gia đình chuẩn bị mâm thức ăn nguội trước để cúng bái tổ tiên sau ăn để bảo vệ sức khỏe. Đối tược đượng cúng bái là vong linh tổ tiên, các vong hồn cô độc và Thổ công. Các làng xã xưa tổ chức cúng lễ tại các đình, đền, miếu mạo. Nhà nhà, làng làng đều sửa lễ cúng ông bà Tổ Tiên, cúng Thần Thánh, cúng các vị Tổ Sư của nghề. Đặc biệt đây là Tết chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa sâu bọ, vi khuẩn làm giảm sức khỏe của con người. Đó là việc giết sâu bọ, bằng cách ăn rượu nếp làm cho sâu bọ trong người bị say, ăn các trái cây như mận như xoài... là bồi thêm đòn cho sâu bọ chết. Người ta còn mài thần sa, chu sa cho trẻ uống để chống sự phản ứng trong cơ thể.

- Tắm nước lá mùi: Là tập tục mà các làng quê thường có. Người ta đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người già trẻ thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn và có lẽ cũng trị được cảm mạo, bởi nước lá mùi là vị thuốc nam.
- Hái thuốc mồng Năm: Cây cỏ quanh ta có nhiều thứ trở thành vị thuốc chữa bệnh. Nhưng nếu các loại thảo mộc ấy được hái vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, lại đúng vào giờ Ngọ thì tính dược càng được tăng lên, chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu đau xương... sẽ nhanh khỏi hơn. Do vậy dân gian thường hái ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới... đem phơi khô cất đi, khi nào lâm bệnh thì sắc uống.
- Treo cây ngải cứu trừ tà ma: Người ta còn lấy cây ngải cứu buộc gom thành nắm, treo ở đầu nhà, trước cửa để trừ tà ma. Thực tế thì hương thơm lá ngải sẽ giúp con người dễ chịu, khoan khoái. Lại có thể giảm bớt nhức đầu, đầy bụng nên khi lấy lá mồng Năm, mọi người không thể quên lấy lá ngải cứu. Giết sâu bọ, hái thuốc mồng Năm, tắm nước lá mùi, treo lá ngải trừ tà trong Tết Đoan Ngọ, nhằm làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ, khoẻ mạnh để duy trì nòi giống, truyền thống của cha ông.
- Tục đeo "bùa tui bùa túi": Người ta còn phòng xa những bất trắc do ma quỷ, rắn rết làm nguy hại đến tính mạng nên Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục đeo "bùa tui bùa túi". Đây là thứ bùa ngũ sắc để đeo vào vòng cổ cho trẻ em. Người ta dùng vải và chỉ ngũ sắc để may, để buộc thành các túm bùa. Một túm hạt mùi, một túm hồng hoàng rồi một số quả như khế, ớt, mãng cầu... được buộc gộp thành bùa treo vào cổ trẻ em. Phải chăng hạt mùi kỵ gió, hồng hoàng kỵ rắn rết, còn các quả để giết sâu bọ, chỉ ngũ sắc là màu sắc của vũ trụ - kim, mộc, thủy, hoả, thổ - thường dùng để trừ ma quái, hy vọng sẽ đảm bảo cho thế hệ trẻ được khoẻ mạnh, tồn tại và phát triển.
- Tục nhuộm móng tay, móng chân: Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục nhuộm móng tay móng chân cho trẻ. Họ hái lá về giã nhỏ, lấy lá vông đùm từng nhúm rồi buộc vào móng tay, móng chân. Riêng ngón "thần chỉ" là ngón tay trỏ thì không buộc. Sáng dậy, mở các đầu ngón tay ra sẽ thấy các móng tay móng chân đỏ tươi, đẹp mắt. Ngoài mỹ thuật, tục này còn ẩn dụng ý trừ ma tà lôi kéo làm hại con người.
- Tục khảo cây lấy quả: Phải chăng từ yêu cầu lấy quả giết sâu bọ, nên người ta đã khảo cây lấy quả. Dân gian quan niệm cây cũng có linh hồn nên những cây "chây luời" không chịu ra quả phải bị khảo. Một người trèo lên cây, một người cầm dao đứng dưới gốc. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây van xin được tha sẽ ra quả và hứa ra thật nhiều quả. Thường thì mỗi dịp này các cành rườm rà được phát bớt và mùa tới cây sẽ ra quả. Việc này khó giải thích, nhưng biết đâu qua việc làm cỏ, phát bớt cành lại kích thích sự ra quả cho cây?
Đây còn là dịp Tết có những thứ quả, hạt đầu mùa, mà con cháu không thể quên việc cúng dâng Tổ Tiên. Một quả dưa hấu, một quả mít, một chùm nhãn, đĩa mận, cân đậu, đĩa xôi đầu mùa... đều được đưa lên bàn thờ cẩn tấu Gia Thần, Gia Tiên. Và đây cũng là những sản phẩm để đi lễ gia đình ông bà nhạc tương lai, đi Tết các thầy học, thầy lang, thầy dạy nghề tỏ lòng đền ơn đáp nghĩa. Dân gian còn có lệ nhân ngày 5/5 âm lịch bày tỏ với nhau tình bằng hữu, xóm giềng mật thiết.
Tết Đoan Ngọ giữa mùa dương thịnh, nóng bức nhưng các tục lệ cũng thật dào dạt tình người. Phải chăng cái tình cảm êm thấm này vừa biểu hiện sự nhu, tính âm, khiến cho âm - dương giao hòa, tình người gắn bó đã làm tăng thêm ý nghĩa nhân văn cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Thuỳ Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh