CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:04

Tết ấm tình thương ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội

Các đối tượng người già neo đơn và trẻ mồ côi rất cần những cái tết ấm cúng và tràn đầy tình thương

Ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội (Tây Mỗ-Từ Liêm). Trong khuôn viên nằm lọt thỏm sâu trong ngõ, những tiếng cười nói vô tư của những đứa trẻ xóa tan bầu không khí tĩnh lặng. Dường như nơi đây Tết đến sớm hơn khi khuôn viên của Trung tâm đã được quét dọn sạch sẽ, những cây đào, quất đã được trang trí các phòng, khu vực nhà bếp cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết, cũng mổ lợn, gói bánh chưng xanh, tiếng cười rôm rả...

Sống cùng nhau cả năm trời, đến ngày cận Tết, có cụ, có cháu được gia đình, người thân đón về sum vầy, nhưng phần lớn các cụ già và các em nhỏ đều đón giao thừa tại Trung tâm. Ngoài ra còn có nhiều em đã từng là thành viên của Trung tâm nay đã trưởng thành và có cuộc sống tự lập nhưng những ngày này các em vẫn trở về đây để đón Tết như quay về quây quần bên “mái nhà” của mình.

Cụ Nguyễn Thị Tâm năm nay 82 tuổi, đã sinh sống tại Trung tâm bốn năm qua. Với cụ, một người phụ nữ đã mất hai đứa con, không nơi nương tựa tưởng như cuộc đời quá chua xót, quá nghiệt ngã nhưng khi đến với nơi đây, cụ dường như tìm được ngôi nhà thứ hai của mình. Trong những ngày tết thế này, cụ nhận được rất nhiều bánh kẹo, đường sữa, sự chăm sóc, thăm hỏi động viên đặc biệt và thường xuyên của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, được đón giao thừa với những người bạn, người “chị em”, những số phận giống như cụ. Chính những điều đó đã khiến cái tết của cụ trở nên ấm áp, đủ đầy, như tất cả mọi người trong xã hội. “Tôi đón tết ở đây cũng không khác ở nhà khi xưa là mấy, thậm chí còn vui vẻ, sung túc hơn nhiều”-cụ Tâm vui vẻ.

Công tác chăm lo đời sống cho các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt luôn được trung tâm chú trọng

 

Khác với cụ Tâm, cụ Trần Văn Thanh (75 tuổi), do mới sinh sống khoảng một năm tại Trung tâm nên cái tết đầu ở đây vẫn khiến cụ mong ngóng có thể về gia đình sum họp. Bản thân cụ là một người hướng nội, ngại giao tiếp, cụ cho rằng mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận nên rất khó tâm sự, chủ yếu cụ ở trong phòng, ít bầu bạn và cảm thấy thiếu thốn tình cảm. “Tôi vẫn nhớ nhà lắm. Tôi có nhà nhưng chả còn ai ở đó để đón tôi về ăn tết, nên tôi thấy tủi thân nhưng ở trong này mọi người chuẩn bị tết cho tôi đầy đủ chả thiếu cái gì, mấy anh chị cán bộ cũng chăm sóc tôi tốt lắm nên cũng đỡ”- cụ Thanh nghẹn ngào.

 

Không khí chuẩn bị Tết cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội

Để các cụ, các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội có được một cái Tết đầy đủ, ấm cúng, công đầu có lẽ phải dành cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động làm việc tại đây. Ngày thường, công việc của họ đã bận rộn, nhưng đến ngày Tết lại càng trở nên bận rộn hơn. Họ không chỉ lo chuẩn bị tết cho gia đình mà còn tất bật chuẩn bị tết ở Trung tâm, họ luôn cố gắng để tạo không khí gần gũi, đầm ấm để các đối tượng ở đây thấy như được sống ở gia đình vậy. Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Quản lý Giáo dục nuôi dưỡng (Trung tâm Bảo trợ 3 Hà Nội) đã nhiều năm đón giao thừa ở Trung tâm chia sẻ: "Tết năm nào cũng thế, việc mổ lợn, gói bánh chưng ở Trung tâm nhất thiết phải có. Chúng tôi tạo ra không khí ấy để các cụ, các cháu như được quây quần bên gia đình thực sự của mình vì người già thường đa cảm, ai cũng mong được sùm vầy bên con cháu khi tết đến xuân về".

Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3  Hà Nội nhận được sự chung tay góp sức của các tổ chức thiện nguyện

 Chia sẻ về công tác chuẩn bị tết cho các đối tượng, bác sĩ Trần Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội cho biết, vào những ngày giáp Tết, các cán bộ nhân viên phải tăng cường ca trực và phân công công việc chu đáo hơn những ngày thường để làm sao những cụ già và các em nhỏ đón tết tại đây cảm thấy thực sự vui vẻ, hạnh phúc và đủ đầy. Bác sĩ Hải cũng khẳng định, đây là một công việc đặc thù, khá vất vả, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm, chuyên môn mà còn rất cần đến tình cảm, cái tâm của mỗi cán bộ nhân viên tại đây. “Nếu không đặt cái tâm, coi đây như gia đình, như những người ruột thịt của mình thì chúng tôi không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”- bác sĩ Hải bày tỏ.

Các đối tượng người già neo đơn và trẻ mồ côi rất cần những cái tết ấm cúng và tràn đầy tình thương


Giám đốc Trung tâm Trần Thị Hải cũng thông tin thêm, quan tâm đến những mảnh đời kém may mắn ở Trung tâm mỗi dịp tết đến, xuân về, nhiều cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc Tết đến với các cụ già và các em nhỏ. Ngoài ra, vào thời điểm đầu năm mới, lãnh đạo cùng cán bộ trung tâm sẽ đi thăm hỏi, mừng tuổi với những lời chúc ý nghĩa và ấm áp đến với các cụ già và các em nhỏ. Nói chung là không khi đón tết rất vui.

 Tết đang về sập sập từ ngoài đường đến đầu ngõ, từng nhà. Chia tay Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội trong tiếng nói cười rộn rã, tiếng vỗ tay theo nhịp bài hát làm cho không khí của buổi chiều cuối năm thêm ấm áp. Sự bất hạnh, cô đơn dường như không còn hiện hữu trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ở nơi này. Ngoài kia, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm vẫn tật bật tập kết thực phẩm và lên thực đơn cho ngày tết.

 

Tuấn Anh - Phương Hồng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh