THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:46

Tây Ninh: Phấn đấu năm 2015 đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%

 

Thực hiện mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2013-2015, ước tổng kinh phí thực hiện xóa đói, giảm nghèo của tỉnh là 1.030,577 tỷ đồng. Mục tiêu chung của kế hoạch là cải thiện từng bước nâng cao điều kiện sống cho người nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đặc biệt đối với hộ nghèo ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã khó khăn. Bên cạnh đó, hộ nghèo và người nghèo được tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực và nhận thức cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo nói riêng và người dân nói chung. Cụ thể, tỉnh tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng về y tế, giáo dục, văn hoá, an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với các hộ nghèo trong tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi số tiền trên 100 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ sinh sống ở vùng biên giới, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, kết hợp với đào tạo nghề lao động nông thôn, tạo quỹ đất cho người nghèo có đất sản xuất… để người dân từng bước nâng cao đời sống.

Nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ để thoát nghèo


 Vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lưu Quang đã có sự chỉ đạo rất cụ thể. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan khẩn trương phối hợp thực hiện tốt việc tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đối tượng và việc thực hiện các chế độ chính sách cho người nghèo; quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với người nghèo. Sở Lao động - thương binh và Xã hội thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh. Chủ động lồng ghép, điều phối các nguồn lực của chương trình giảm nghèo để phát huy hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm, chấn chỉnh cũng như giải quyết các vướng mắc trong thực hiện.UBND các huyện, thành phố phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh khẩn trương triển khai thực hiện, giải ngân kịp thời để có cơ sở xin kinh phí hỗ trợ từ Trung ương. Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin truyền thông về các chế độ, chính sách liên quan đến người nghèo đế người dân biết, hiểu và thực hiện. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến người nghèo.

            Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, năm qua, toàn tỉnh đã cấp miễn phí trên 29.300 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Tổ chức đào tạo dạy nghề lao động nông thôn cho hơn 5.000 người; xây dựng và sửa chữa gần 700 căn nhà đại đoàn kết; chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, bảo trợ người tàn tật, người già neo đơn… với số tiền hàng trăm tỷ đồng, nhằm từng bước kéo giảm số hộ nghèo. Ở Tây Ninh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong việc giúp nhau thoát nghèo. Ông Võ Văn Hen, sinh năm 1956 trú tại tổ 7, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên tâm sự: “Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do biết tổ chức sản xuất, lại được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp nên đời sống gia đình ổn định, thu nhập khá. Nhận thấy xung quanh mình vẫn còn những hộ khó khăn, nhất là về nhà ở gia đình tôi đã tự nguyện hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà cho hộ nghèo. Không những thế, gia đình tôi còn ủng hộ kinh phí để sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn”. Còn ông Nguyễn Văn Để, sinh năm 1959, chủ một cơ sở kinh doanh phân bón ở Thạnh Bình, Tân Biên thì cho biết: Thông qua việc tuyên truyền, vận động gia đình tôi hiểu giảm nghèo là chương trình lớn của Nhà nước mà mọi người cần chung tay, góp sức. Trong 3 năm từ 2013 đến 2015, gia đình tôi đã hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo và hộ khó khăn ở xã Thạnh Bình là 230 phần với tổng số tiền 82 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn ủng hộ kinh phí làm đường giao thông nông thôn 60 triệu đồng và tặng 3.000 quyển vở cho học sinh nghèo hiếu học.

            Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền các hộ nghèo tự thân vận động, vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có số hộ nghèo dưới 2% và 100% hộ gia đình chính sách được thoát nghèo bền vững.

Sơn Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh