THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Tây Ninh: Dạy nghề, giải quyết việc làm để giảm nghèo.

Tổ chức tốt việc  lồng ghép, điều phối các nguồn lực của chương trình giảm nghèo để phát huy hiệu quả cao nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm, chấn chỉnh cũng như giải quyết các vướng mắc trong thực hiện.

 

Huyện Tân Châu họp bàn về giảm nghèo.

            Để hoàn tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như tăng cường công tác kiểm tra, rà soát đối tượng và việc thực hiện các chế độ chính sách cho người nghèo; quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với người nghèo. Phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế thống nhất phương thức thực hiện đúng, đầy đủ  chính sách BHYT cho người nghèo. Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh kịp thời giải ngân cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi khi có nhu cầu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin truyền thông về các chế độ, chính sách liên quan đến người nghèo đế người dân biết, hiểu và thực hiện. Cùng với đó là những hoạt động rất hiệu quả trong việc dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ... để giải quyết việc làm.

Để đạt được kết quả tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Việc làm này giúp cho người lao động nông thôn biết, hiểu được chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước đối với người lao động khi tham gia học nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956  của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2015, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm và triển khai thực hiện.

UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra các cấp, ngành tuyên truyền bằng cách lồng ghép vào các cuộc hội nghị của các ban ngành, đoàn thể để khuyến khích người dân tham gia học nghề.

Nhờ vậy, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Tây Ninh ngày càng được quan tâm phát triển, chất lượng dạy nghề ngày càng được nâng lên, nhiều loại hình đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được mở rộng và đa dạng hoá.

Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã tăng cường mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn như kỹ thuật se nhang; kỹ thuật nấu ăn; may công nghiệp, điện, sửa chữa xe máy... Các mô hình dạy nghề của tỉnh đã đáp ứng được một phần nhu cầu học viên. Sau khi tốt nghiệp, nhiều học viên đã tự tìm được việc làm tại các cơ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.

Nhiều học viên sau khi được học nghề đã tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề, mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở sản xuất mang lại nguồn thu nhập cao cho bản thân và tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Bên cạnh đó, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, tỉnh cũng đã đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp như mở các lớp về khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; kỹ thuật trồng rau sạch; kỹ thuật trồng lúa.

Tư vấn nghề cho bộ đội xuất ngũ.

            Ngoài ra, Tây Ninh còn rất coi trọng và thực hiện tốt việc tư vấn, dạy nghề cho lực lượng bộ đội xuất ngũ. Hàng năm, trước mỗi đợt xuất ngũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều phối hợp với Sở LĐTBXH và các DN, các trường, các trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức hướng nghiệp, tư vấn học nghề cho bộ đội  xuất ngũ để họ có sự chọn lựa ngành nghề phù hợp với khả năng, sở thích. Bộ đội xuất ngũ thường lựa chọn học các nghề như: lái xe hạng C, B2, lái xe máy công trình; cơ khí động lực; điện công nghiệp; điện tử; điện dân dụng; điện lạnh; cơ khí hàn; tiện phay bào; kỹ thuật viên tin học; dịch vụ du lịch; may công nghiệp; chế biến hải sản, nông lâm sản; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản; thú y gia đình; chăn nuôi…

            Anh Vòng Lai Sáng (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) cho biết: sau khi xuất ngũ anh được giới thiệu đi học nghề sửa chữa xe honda rồi tiếp tục được chính quyền xã Sông Xoài hỗ trợ vốn để mở tiệm. Với khoản tiền 15 triệu đồng lãi suất ưu đãi, anh Sáng mua sắm dụng cụ đồ nghề mở tiệm sửa chữa xe gắn máy. Hiện nay anh có thu nhập ổn định.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách vì người nghèo, triển khai đồng bộ những giải pháp phù hợp nên hiện nay cuộc sống của người nghèo ở Tây Ninh đã được cải thiện từng bước, nâng cao điều kiện sống cho người nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đặc biệt đối với hộ nghèo ở vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã khó khăn.

Bên cạnh đó, hộ nghèo và người nghèo được tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực và nhận thức cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo nói riêng và người dân nói chung./. 

Sơn Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh