Tây Ninh: Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, quy mô vụ việc ngày càng lớn
- Pháp luật
- 00:57 - 15/06/2018
Bắt giữ hàng ngàn vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu
Phát biểu tại Hội nghị Tuyên truyền về hệ lụy của buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu đối với kinh tế và trật tự an toàn xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh tổ chức mới đây, ông Huỳnh Văn Đức - Cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cho biết: Từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ 985 vụ; phương tiện vận chuyển gồm 18 ô tô, 201 mô tô, 2 xuồng máy, 5 máy chạy ghe; khởi tố hình sự 3 vụ/3 đối tượng, trong đó, tổng số thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ 515.698 bao.
Trong năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh đã thực hiện tiêu hủy 583.871 bao thuốc lá điếu nhập lậu bị xử lý tịch thu. Chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra và xử lý 250 vụ, phạt hành chính: 867.950.000 đồng; thu giữ: 54.960 gói thuốc lá điếu ngoại các loại: 14 xe mô tô vận chuyển.
Theo Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo các Đội QLTT tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại, nắm tình hình, xây dựng cơ sở để xác định đối tượng, phương thức hoạt động có kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn. Trong thị trường nội địa tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc lá, các nhà hàng, quán bar, các tủ bán thuốc lá lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát.
Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn ra phức tạp: Chia nhỏ hàng hóa cho nhiều đối tượng; lợi dụng đi đường vòng, đường tắt vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ; sử dụng xe môtô phân khối lớn, xuồng máy tốc độ cao để vận chuyển; cử người canh đường, dò đường rất chặt chẽ trong lúc vận chuyển hàng, giao hàng; thường xuyên chuyển hướng hoạt động và giờ giấc vận chuyển.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Đức cho rằng: Thuốc lá nhập lậu được vận chuyển bằng nhiều phương thước, thủ đoạn khác nhau gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu; một số đối tượng hoạt động buôn lậu ngày một tinh vi và liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ lực chống trả lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Địa bàn biên giới rộng, nhiều đường mòn, lối mở qua lại, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng không thể kiểm soát, giám sát hết được các đối tượng buôn lậu trên địa bàn; phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang bị phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu còn thiếu, lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Triển khai đồng bộ các giải pháp chống buôn lậu thuốc lá
Ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cho biết: Hiệp hội cũng đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26-12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, kịp thời thanh toán kinh phí hỗ trợ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cho lực lượng chức năng.
“Mặc dù Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam triển khai rất tích cực các hoạt động chống buôn lậu thuốc lá, nhưng kết quả đạt được nói trên còn rất khiêm tốn. Các hoạt động triển khai chống buôn lậu thuốc lá còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai rộng trên phạm vi cả nước; thuốc lá lậu vẫn được nhập lậu ồ ạt và bày bán công khai trên các tủ thuốc, điểm bán lẻ, bán và mua thuốc lá lậu rất dễ dàng”, ông Triết phản ánh.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát động thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân không tiếp tay cho thuốc lá nhập lậu, ông Đức đề xuất trong thời gian tới, các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, QTTT cần triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới và trong nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá.
”Ngành chức năng nên có chương trình ký kết phối hợp với các huyện và tỉnh, thành phố của Campuchia giáp với Việt Nam về việc phòng chống buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu”, ông Đức cho biết.
Hiện nay, theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 1/5/2013; 1,5% từ 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019 (tính trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 300 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài. Trong khi đó hoạt động chống buôn lậu thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn mà không có nguồn kinh phí và không được sử dụng quỹ... nên tại hội nghị nhiều ý kiến cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá nhập lậu có tác hại lớn hơn do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng...