Tăng cường phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại địa bàn trọng điểm
- Tây Y
- 00:10 - 03/11/2016
Quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn trên các tuyến biên giới, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu, khu vực biên giới địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (nhất là tại TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh).
Đây là nội dung Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; không được để tình trạng buôn lậu phức tạp, diễn ra công khai.
Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo 389 địa phương các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá nói riêng.
Cụ thể, thường xuyên giao ban, xây dựng quy chế phối hợp công tác, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm kịp thời phát hiện cho đúng, cho trúng đầu sỏ, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối, xảy ra sự việc nghiêm trọng thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương địa bàn trọng điểm khu vực biên giới phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề, xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cải thiện đời sống của người dân khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng để cư dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu, thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ tham gia công tác này, kết hợp với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần tăng cường đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa bàn tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới có hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người dân ổn định và cải thiện đời sống, không tham gia buôn lậu.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu; có biện pháp quản lý các đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới tham gia vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra để phát hiện, bắt giữ các cá nhân, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên biển, đặc biệt là những vùng biển trọng điểm.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an trong cả nước đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá để kịp thời truy tố, xét xử.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ Đề án kiểm soát thị trường bán lẻ thuốc lá nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, góp phần chống buôn lậu thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin về buôn lậu thuốc lá, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước; tiếp tục nghiên cứu sản xuất các loại thuốc lá phù hợp với gu của người tiêu dùng trong nước với giá thành hợp lý.
Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí cần tăng cường tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá và tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng, lên án những vi phạm, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu.
Về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý của việc tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, đảm bảo phù hợp với Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 11/2016.
Các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu; trường hợp địa phương nào có đủ điều kiện và đề xuất tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng cần chủ động xây dựng Đề án về việc này, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trong đó nêu rõ các biện pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thẩm lậu quay trở lại thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2016.