THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:34

Những ngôi làng đẻ nhiều nhất ở Tây Nguyên

   Quan niệm lạc hậu

Chúng tôi đến làng Ea Lũh, những hình ảnh bắt gặp đầu tiên, là hàng chục ngôi nhà được xây dựng từ Chương trình 134 của Nhà nước (từ năm 2005- 2007). Số còn lại hầu hết là nhà tranh và nhà ván là do những cặp vợ chồng mới tách khẩu dựng nên.

Làng có 106 hộ, người dân tộc Xê Đăng, nhưng lại có đến 1075 nhân khẩu. Trong số này, có đến 70  hộ thuộc diện đói nghèo, phải cứu đói khi vào mùa giáp hạt.

Theo giới thiệu của người dân, chúng tôi đến thăm cặp vợ chồng sinh nhiều con nhất trong làng, là vợ chồng anh Dóc, ở tuổi 50, anh chị  có 12 đứa con, đó là chưa kể đến 3 đứa đã mất, vì bệnh tật không có tiền chữa trị. Hiện đứa bé nhất đang học lớp 8, cậu con trai đầu lòng tên là Sánh đã lập gia đình và cũng đã có 3 con.

 

Đi cùng chúng tôi, chị H’Jiar (52 tuổi), cán bộ dân số của làng cho biết: "Làng này trung bình mỗi cặp vợ chồng đẻ từ 10 - 12 đứa con. Trình độ nhận thức của người dân ở đây rất thấp. Chúng tôi cũng đã kết hợp lồng ghép nhiều chương trình học tập cộng đồng, để giáo dục kế hoạch hóa cho họ, nhưng họ cũng chẳng thèm nghe. Bởi họ luôn quan niệm của họ là “trời sinh voi thì ắt phải sinh cỏ”.

Chính bản thân chị H’Jiar được xét là hộ có ít con nhất làng này, nhưng cũng có đến 5 nhóc, chị cũng thừa nhận với chúng tôi rằng, trước đây mình cũng có quan niệm như những người dân địa phương này thôi, sau này được đi học nhiều mới hiểu được đẻ nhiều là căn nguyên của đói khổ quá, nên bàn với chồng làm kế hoạch hoá, khuyên mãi, làm công tác mãi cuối cùng chồng tôi cũng nhận thức rõ bản chất vấn đề.

Chị H’Jiar dẫn chúng tôi đến tiếp gia đình anh Kim, vợ chồng anh Kim có 15 nhân khẩu, trong đó 3 đứa em trai còn nhỏ đang ở phụ giúp gia đình, trong số 10 đứa con thì nhiều đứa đã vượt qua mặt các chú đi bắt vợ, gả chồng, nhưng vợ anh Kim vẫn còn khả năng đẻ.

Đông dân số là vậy, nhưng làng cũng chỉ có 18 người tuổi trên 60, trẻ em và thanh niên chiếm đến con số hơn 800. Trong số này, chỉ có khoảng hơn 120 em đi học từ mẫu giáo đến lớp 12, còn lại phần đa theo cha mẹ lên nương lên rẫy kiếm sống.

Nói về việc áp dụng các biện pháp  kế hoạch hoá gia đình của thôn, chị Chị H’Jiar cho rằng: "Đây là vấn đề nan giải, bởi chúng tôi cũng đã dùng mọi biện pháp từ tuyên truyền đến phạt hành chính, nhưng họ cũng chẳng sợ. Tháng nào họp thôn, chúng tôi cũng lồng ghép ban dân số vào để tuyên truyền cũng đành bó tay".

Chị H’Jiar kể tiếp, ngoài đẻ nhiều, dân làng này trước đây còn nghiện rượu. Cách đây khoảng 6 năm, tất cả đàn ông và đàn bà đã lập gia đình đều nghiện rượu nặng. Cứ tối tối là đàn ông, đàn bà tập trung lại thành từng nhóm 6 - 7 người ở nhà người nào đó vừa nấu rượu, vừa uống rượu.

Đẻ cho đến lúc "hết trứng":

Đak Nai và Đak Giấc là 2 thôn nghèo của xã Đak Môn (huyện Đak Glei, Kon Tum), nguyên nhân của cái nghèo ở đây là do dân đẻ nhiều. Có gia đình đã từng chết đến 5 đứa con, vì đói ăn, thế nhưng vẫn giữ quan điểm: phải đẻ cho đến khi nào không đẻ được nữa thì thôi.

Anh A Phìn, Trưởng ban Văn hóa xã Đak Môn cho biết, thôn Đak Nai có 108 hộ, với gần 700 khẩu, 100% là dân tộc Xê Đăng. Các gia đình ở đây đều sinh từ 3 con trở lên. Có cặp thì cứ tằng tằng mỗi năm  tạo một đứa.

Năm nay mới 31 tuổi, nhưng chị Y Tý (làng Đak Nai) đã có đến 6 đứa con. Đứa lớn nhất năm nay đã 12 tuổi, đứa mới sinh được 3 tháng tuổi. Chị Y Tý cho biết: "Gia đình mình năm nào cũng bị cảnh đói giáp hạt. Để có cái ăn, vợ chồng mình phải đi mua nợ gạo, mắm, đến mùa thu hoạch mì thì trả. Món đồng hành từ năm này qua năm khác của lũ trẻ nhà mình là lá mì. Lúc có tiền, cũng chỉ mua vài con cá khô, ít nước mắm về cho chúng nó ăn, thế là sang rồi".

Mới 28 tuổi nhưng chị Y Tý đã có đến 6 đứa con

Ông A Nít,  Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Môn cho biết, gia đình đẻ nhiều nhất ở Đắk Nai có đến 13 đứa con. Nhưng chẳng có gia đình nào giữ được con số này nguyên vẹn, nhà ít nhất cũng chết 1 vài đứa. Chẳng hạn như gia đình ông A Thun (nguyên là Trưởng thôn Đak Nai) sinh được 12 đứa con, nhưng có đến 5 đứa chết vì đau ốm. Ở đây người ta nhận thức còn kém lắm, đẻ ra rồi nuôi như vậy thôi, chứ không biết chăm sóc. Mấy đứa trẻ chết vì đau ốm, nhưng cha mẹ không biết đưa con đi bệnh viện cứ cầu khấn, hay chữa theo kinh nghiệm, lâu ngày thế là chết.

Bản thân ông A Nít, nguyên là cán bộ y tế của xã, hiện giờ là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nhưng vợ chồng ông cũng sinh đến 10 đứa con. Lý giải cho việc này, ông A Nít cười nói: “Trước kia mình vỡ kế hoạch mà”.  

Rồi ông A Nít kể về chuyện chị Y Tâm, cán bộ phụ nữ thôn đã phải từ chức vì mang thai đứa thứ 3. Chị Tâm thấy mắc cỡ nên xin nghỉ, vì cán bộ phụ nữ mà bị vỡ kế hoạch thì nói còn ai nghe nữa.

Trung bình mỗi gia đình ở Đak Nai và Đak Giấc có từ 6 -7 đứa con, với hơn 80% là các hộ nghèo và cận nghèo, hàng năm nhà nước phải cứu đói 2 đợt, không chỉ vậy, người dân nơi đây còn được ưu đãi rất nhiều chính sách về y tế.

 

Tuy cái đói cái nghèo luôn đeo bám, nhưng nhắc đến chuyện kế hoạch hóa gia đình, thì hầu hết người dân 2 làng này vẫn “đẻ thả phanh”. Anh A Phin ngao ngán nói: “Gần 20 năm nay, các cán bộ dân số thường xuyên đi vận động, tuyên truyền đủ kiểu để bà con giảm đẻ, nhưng họ không bao giờ nghe. Khi cán bộ xã hướng dẫn và phát thuốc tránh thai cho phụ nữ, bao cao su cho đàn ông để tự kế hoạch, đa phần người dân đều hào hứng nhận, nhưng nhận về rồi để đầu giường, xỏ vào tay, thậm chí nhiều gia đình còn mang bao cao su ra cho con mình thổi bong bóng. Gần 20 năm qua, chỉ có 2 phụ nữ chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai, như đặt vòng, tiêm thuốc, nhưng với điều kiện là phải giữ bí mật, không được để bất cứ ai biết vì họ sẽ rất xấu hổ và sợ bị “trách tội”.

Theo anh A Phìn, nguyên nhân của việc các cặp vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai một phần là do họ theo đạo. Đạo quy định, không được dùng các biện pháp tránh thai ngoài chu kì rụng trứng của phụ nữ. Nếu ai mà sử dụng biện pháp tránh thai thì không được cha rửa tội. 

Trong các phong tục tập quán của đồng bào trên vùng Tây Nguyên, có những hủ tục kìm hãm sự phát triển của xã hội, như tục: Trời sinh voi trời sinh cỏ của hai làng nói trên, các cấp, các ngành  cần tuyên truyền nhiều hơn  nữa giúp đồng bào hiểu và tự giác sinh đẻ có kế hoạch, để trẻ em nơi đây được ăn no, mặc đẹp,  vui chơi, học tập như bao đứa trẻ khác.

NGỌC ANH-LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh