THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:03

Chuyện những xóm chài trên đất Tây Nguyên

 

Làng cá cơm sạch

Trước khoảng sân rộng những ngôi nhà xây kiên cố, mẻ cá cơm phơi trên tấm lưới đan được che chắn cẩn thận lấp lánh dưới nắng oi bức. Ngỡ dân xứ này chỉ kiếm vài con cá về cải thiện bữa ăn, ai ngờ nghề thu nhập chính, mỗi ngày một người kiếm được dăm trăm ngàn.

Lân la hỏi chuyện, ông Phùng Văn Thanh (sinh năm 1968, thôn 5, thị trấn Esúp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) chia sẻ: gia đình từ Bình Định chuyển vào đây được gần chục năm, đất đai ít lại bạc màu, kinh tế khó khăn. Người dân quanh hồ Esúp Thượng và Esúp Hạ đa số làm nghề đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập. Dân đây chủ yếu sản xuất cá cơm khô. Quy trình sản xuất cá cơm rất đơn giản: tấm lưới loại mắt nhỏ vừa đủ cá cơm mắc vào. Đánh cá về, treo lưới lên dùng một chiếc que ở đầu có gắn sợi dây cước bản to đã được uốn cong để đập vào lưới cho cá rơi xuống tấm bạt đã trải sẵn. Sau đó mang cá rửa và phơi một đến hai nắng trên những tấm lưới đan được đặt cao ráo ngoài sân rồi đem bán. Mỗi ngày vợ chồng ông đánh được khoảng 20 đến 30kg cá cơm tươi, sau khi phơi khô người ta đến tận nhà mua, vì cá sạch, chất lượng thơm ngon người mua rất ưa chuộng.

Người dân xóm chài chèo thuyền đi đánh cá

Anh Đặng Quốc Cương (tổ phó tổ đánh bắt cá cơm tại thị trấn Esúp) cho biết: “Ở đây, đánh bắt cá chia ra làm 2 tổ, 1 tổ chuyên đánh bắt cá cơm còn 1 tổ chuyên đánh bắt cá lớn. Tổ đánh bắt cá cơm gồm khoảng 13 hộ, hằng ngày tham gia đánh bắt trên hai hồ lớn là hồ Esúp Thượng và Esúp Hạ”. Theo anh Cương, đây là vùng sản xuất cá cơm nước ngọt duy nhất tại Đắk Lắk, tuỳ theo mùa mà sản lượng và giá cả của cá cơm có sự thay đổi. Vào mùa khô, giá cả dao động từ 100 – 120 ngàn đồng/1 kg, mùa mưa lượng cá nhiều nên giá chỉ từ 60 – 80 ngàn/ 1kg. Cá cơm được mang đi tiêu thụ trong địa bàn huyện và các huyện khác trong tỉnh, chủ yếu ở Buôn Hồ, Krông Năng, Ea Hleo..., những năm gần đây, cá cơm còn được mang đi nhập ở Sài Gòn, Bình Dương.

Ông Thanh gỡ mẻ cá cơm

Lặng lẽ xóm chài

Cách hồ Ea Súp thượng 6 km làng chài nhỏ nằm dưới chân dãy núi, hướng ra mặt nước mênh mông là nơi sinh sống của hơn 20 hộ gia đình di cư từ các tỉnh miền Tây lên. Đa số họ không có đất canh tác, sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, thường ngày ai thuê gì làm nấy.

Cứ chiều chiều người dân lại tất tả chèo thuyền ra khơi. Những cơn gió xào xạc làm không gian xóm nhỏ đìu hiu, cô quạnh, đang mở dây néo thuyền anh Nguyễn Văn Đại trải lòng: "Người dân xóm này đều từ miền Tây trôi dạt đến sinh sống bằng nghề đánh cá, mò cua, bắt ốc. Khoảng 3 – 4 giờ chiều người dân lên thuyền buông lưới ra khơi đến khoảng 4 – 5 giờ sáng hôm sau thì gỡ lưới về bán cho thương lái. Cá là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình, giúp người dân trang trải cuộc sống. Trừ tất cả các chi phí một ngày tôi vẫn còn dư được khoảng 2,3 trăm ngàn. Hồi trước cá nhiều, nhưng dạo gần đây khan hiếm hơn."

Xóm chài nhỏ ven hồ Ea Súp hạ

Đánh cá từ lâu đã trở thành nghề mưu sinh chính của nhiều người dân ven hồ Lắk. Ông Ama Vức có thâm niên đánh cá bên hồ Lắk hơn chục năm cho hay: Mỗi mùa cá kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 tới tháng 11. Vào mùa mưa, cá theo các nhánh suối đổ về nhiều. Mùa khô, nước rút cạn người dân sống xung quanh hồ tận dụng diện tích hai bên bờ để trồng lúa vụ đông xuân. Bình quân mỗi ngày ông đánh bắt được 4-5 kg cá các loại, chủ yếu là cá nhỏ bán với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Từ bao đời nay đánh bắt cá trên hồ Lắk là nghề kiếm sống của hơn 200 người dân quanh hồ. Trước đây hồ quanh năm đầy nước, cá nhiều vô kể, có con cả 10 kg. Bây giờ, cá ít, nhiều người cũng bỏ nghề đánh cá, đi làm thuê các nơi khác.

Vài chục hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh cá trên con suối Đắk Hil thuộc địa phận xã Nam Ka  (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã quen với tên gọi “xóm chài”. Xóm chài nhỏ này được thành lập năm 2009 khi một số người dân miền tây tìm đến làm nghề đánh cá. Một số cư dân không mảnh đất cắm dùi, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước. 

Cứ 4-5 giờ chiều mỗi ngày, người dân lại chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận đêm khuya, sáng sớm tinh mơ dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, họ thu từ 10 – 15kg cá, chủ yếu là rô phi, lóc, cá bống,.. mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Dũng (37 tuổi, quê An Giang) chia sẻ: "Nghề này bấp bênh lắm, ngày thường còn làm ăn được chứ mùa mưa gió bão, mùa nắng nước cạn thì chỉ có đói. Miếng cơm manh áo gia đình chỉ trông chờ vào những mẻ lưới hàng đêm”. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước khiến nhiều em nhỏ bỏ học nửa chừng, phần vì trường xa, phần vì gia đình khó khăn. Một số gia đình sợ con thất học nên đưa về quê, số khác gửi người quen ngoài huyện. Ngày đêm bố mẹ chúng lại dằm nước mưu sinh kiếm tiền để sống.

Rời xóm chài khi hoàng hôn buông xuống, những ánh lửa bập bùng, làn khói mờ ảo, mùi cá nướng vẫn còn thoang thoảng giữa mênh mông đất trời, ta cảm nhận được sự an bình nhưng cô quạnh nơi đây.

 

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chi hội trưởng chi hội ngư nghiệp huyện Ea Súp cho biết, ngoài trồng các cây hoa màu thì nghề đánh cá ở đây cho bà con nguồn thu nhập cao và ổn định, nguồn nước tốt nên cá nhiều vì là cá tự nhiên chất lượng thịt tốt, giá bán cá cũng khá cao. Ở đây chủ yếu là đánh bắt bằng lưới và thả câu. 

Lê Nhuận

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh