Tập trung triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
- Người có công
- 19:08 - 01/01/2022
Ngày 31/12/2021, tại Trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Cục Người có công tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công cùng các công chức, viên chức, người lao động của Cục.
Gần 99% hộ người có công có mức sống trung bình cao hơn mức sống người dân cùng nơi cư trú
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngay từ những ngày đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của tập thể công chức, viên chức và người lao động Cục Người có công đã vượt qua một năm 2021 đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể:
Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ưu đãi người có công với cách mạng, Cục Người có công đã tham mưu, báo cáo trình Bộ trình Chính phủ 02 Nghị định và trình Bộ ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Trong đó, ngày 24/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Về công tác xác nhận người có công, Cục Người có công đã tổ chức nhiều cuộc làm việc giữa Lãnh đạo Cục với Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đặc biệt là việc giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong năm, Cục Người có công đã thẩm định trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 611 liệt sĩ, cấp đổi lại hơn 10.000 Bằng Tổ quốc ghi công.
Cùng với đó, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tổ chức lấy 1.403 mẫu hài cốt liệt sĩ và tiếp nhận 395 mẫu hài cốt liệt sĩ do gia đình liệt sĩ gửi đến. Bằng phương pháp thực chứng đã xác định danh tính 1.293 liệt sĩ; bằng phương pháp giám định ADN đã phân tích ADN của 643/1.486 mẫu hài cốt liệt sĩ và 291/395 mẫu thân nhân liệt sĩ, qua đó đã xác định được danh tính hài cốt của 08 liệt sĩ.
Cục Người có công đã phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính tham mưu trình Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng trên cơ sở nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 58/2019/NĐ-CP; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.
Với chính sách hỗ trợ nhà ở, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên cả nước đã cơ bản hoàn thành với tổng số gần 393.707 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, kinh phí thực hiện hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 100 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới trên 500 nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 495 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; tặng 1010 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 02 tỷ đồng; có 3.830 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Đến nay cả nước có 10.467/10.609 xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ đạt 98,66% và 2.312.906/2.336.543 hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú đạt 98,99%.
Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về người có công
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá báo cáo của Cục Người có công đã nêu đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, cũng như những thành tích, kết quả mà Cục đã nỗ lực, cố gắng đạt được trong năm 2021.
Nhấn mạnh đến Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng đây là một văn bản quy phạm rất đặc biệt, được xây dựng chưa có tiền lệ. Điều đó đã đặt ra rất nhiều nhiệm vụ đối với Cục trong việc thể chế hóa nhiều nội dung mới được quy định trong Pháp lệnh năm 2020.
Theo Thứ trưởng, để nâng cao công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng, Cục Người có công cần bám sát Pháp lệnh Ưu đãi người có công, tổ chức triển khai phù hợp với thực tiễn để chính sách tác động sâu rộng trong xã hội.
Năm 2022 và thời gian tới dự báo đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc ngay, còn tiếp tục ảnh hưởng, tác động tiêu cực kéo dài đến mọi mặt của đời sống xã hội, do đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị Cục Người có công đẩy mạnh công tác phối hợp cùng các bên liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,… để tập trung triển khai toàn diện các nội dung như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các hội nghị triển khai, tập huấn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục rà soát, giải quyết hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; phấn đấu giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng; đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công để nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành v.v... ; tổ chức tốt các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi khẳng định, thời gian tới, Cục sẽ cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ do Bộ và các lãnh đạo Bộ giao phó, góp phần hoàn thành công việc chung của Bộ, ngành và chăm lo tốt hơn đối với người có công.