CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Tăng năng suất lao động: Tập trung đầu tư cho giáo dục và khoa học công nghệ

Tìm giải pháp nâng cao năng suất lao động

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế Vĩ mô - Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, việc cải thiện năng suất không chỉ đơn thuần là một thông điệp chính sách mà cần phải có biện pháp cụ thể tập trung mạnh mẽ. Đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN; GD&ĐT, đồng thời đề cao vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, theo ông Dương, việc cải cách năng suất là một lộ trình lâu dài, xuyên suốt, do vậy cần phải hết sức kiên nhẫn trong quá trình triển khai.

Theo các chuyên gia, có nhiều giải pháp nhằm cải thiện hoạt động năng suất tại Việt Nam như: Tăng nguồn ngân sách vào hoạt động KH&CN, GD&ĐT; kết nối, cải thiện giữa các chương trình đào tạo công và doanh nghiệp; làm thế nào để tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia và giữ được lao động sau khi đào tạo; liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...

Theo UN ESCAP, các quốc gia khi thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững cần dựa vào tăng năng suất chất lượng trên diện rộng, đồng thời đưa ra báo cáo quan trọng Khảo sát Kinh tế - xã hội Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.

TS. Shamshad Akhtar, hàm Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Giám đốc điều hành UN ESCAP cho biết, việc tăng tiền lương thực tế - yếu tố thiết yếu nhằm giải quyết nghèo và bất bình đẳng cũng như hỗ trợ nhu cầu nội địa phụ thuộc vào yếu tố tăng năng suất.

Ảnh minh hoạ.                                          Nguồn ảnh: Internet.

Theo khảo sát, các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương có mức độ tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp từ 2,8% giai đoạn 2000 - 2007 còn 1% trong giai đoạn 2008 - 2014. Điều này chính là nguyên nhân của gần 1/5 suy giảm kinh tế gần đây còn 4,6% năm 2015 so với mức 9,4% của thập kỷ trước. Đồng thời ESCAP cũng cho rằng, triển vọng kinh tế cho các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung là ổn định nhưng vẫn bất trắc. Dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 và 2017 sẽ tăng nhẹ lên lần lượt 4,8% và 5%. Các rủi ro kinh tế vĩ mô bao gồm: Triển vọng không chắc chắn của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh mong manh của kinh tế thế giới; xu hướng tiêu dùng và đầu tư yếu ở các nền kinh tế đang phát triển; tỷ giá hối đoái biến động, trong đó có lý do giá dầu thấp; nợ doanh nghiệp và hộ gia đình tăng... Trong khi đó triển vọng phục hồi nhờ xuất khẩu ở các nền kinh tế đang phát triển còn khá mong manh do triển vọng kinh tế yếu của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Đầu tư mạnh cho giáo dục để nâng cao năng suất lao động

Về Việt Nam, báo cáo đưa ra các con số khả quan: Kinh tế Việt Nam sẽ mở rộng thêm 6,7%; đồng thời lạm phát bình quân năm 2015 là 0,6%. Tuy nhiên tỷ trọng GDP của Việt Nam ở khu vực vẫn chưa cao khi ở Đông Nam Á là 6,2% trong khi ở châu Á - Thái Bình Dương là 0,8%. Cũng theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,8 - 6,9% năm 2016, 2017. Mức tăng trưởng này sẽ xuất phát từ ảnh hưởng của nhu cầu tư nhân nội địa. Các hiệp định thương mại tự do như TPP sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài, hỗ trợ năng lực xuất khẩu và tạo cú hích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh dến những thách thức của Việt Nam như quản lý chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa chưa hợp lý, cũng như lo ngại về năng suất lao động trong thời kỳ “dân số vàng”.

Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh đến khó khăn của Việt Nam trong việc tăng năng suất lao động. Tốc độ tăng năng suất của Việt Nam không có nhiều chênh lệch giữa các ngành, điều này cho thấy mức độ ưu tiên giữa các ngành còn dàn trải. Đồng thời tốc độ tăng năng suất lao động còn hạn chế, tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực. Còn về năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan ở lĩnh vực như đào tạo giáo dục, mức độ sẵn sàng về công nghệ, mức độ tinh vi trong kinh doanh. Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến năng suất lao động tại Việt Nam mà diễn giả Nguyễn Anh Dương chỉ ra đó là việc điều hành chính sách còn nóng vội, thiếu kiên nhẫn, chủ yếu dựa vào các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để tăng trưởng trong ngắn hạn mà quên các mục tiêu dài hạn như giáo dục, khoa học công nghệ. Để cải thiện năng suất cần phải đầu tư mạnh hơn nữa cho giáo dục, khoa học công nghệ và đặc biệt là tập trung vào vai trò trung tâm của người lao động, doanh nghiệp.

ĐỨC THỌ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh