CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:20

Năng suất lao động: vấn đề của cả DN và NLĐ

 

Năng suất lao động tăng chậm hơn cả mức tăng GDP quốc gia

Vấn đề năng suất, NSLĐ của nền kinh tế ở Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chức năng, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng DN và NLĐ.

Buổi toạ đàm này nhằm mục đích xác định các chỉ tiêu đo năng suất của nền kinh tế, xác định tăng NSLĐ là câu ‘thần chú” vừng ơi mở ra cho sự sống còn, phát triển của mỗi DN, bảo đảm đời sống của chính NLĐ và góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam: “Nước ta được đánh giá là quốc gia có lượng LĐ dồi dào, lượng LĐ cả nước đạt 53,7 triệu với tỉ lệ tham gia chiếm đến 77,5%. Tuy nhiên, LĐ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất dần sức cạnh tranh do LĐ bị đánh giá thấp so với khu vực. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN”. Cũng theo các chuyên gia tại tọa đàm, trong 3 năm gần đây (2011 - 2013), tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Như vậy, NSLĐ còn tăng chậm hơn cả mức tăng GDP quốc gia.

Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam không có những điều chỉnh kịp thời, tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương Hiền, Phó Trưởng phòng Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng:"Tỉ lệ LĐ qua đào tạo tăng của Việt Nam từ 17, 4% năm 2007 lên 21 % năm 2014, trong khi đó Thái Lan tăng 52, 4 %. TFP của Việt Nam thấp 17,2%. Như vậy, muốn tăng NSLĐ có 3 yếu tố đó là vốn, TFP, LĐ”.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm

Câu hỏi đặt ra là tại sao NSLĐ của nước ta lại thấp đến như vậy? Các chuyên gia chỉ ra, từ kinh nghiệm của Singapore, các nước châu Âu và nhiều nước phát triển khác cho thấy, họ có nhiều cách để cạnh tranh. Cạnh tranh bằng hàm lượng chất xám trong những sản phẩm của họ đưa ra thị trường… Với Việt Nam, đại đa số LĐ của chúng ta đến từ nông nghiệp, NSLĐ của nông nghiệp so với công nghiệp và dịch vụ là thấp nhất. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đánh giá NSLĐ lại rất coi trọng những yếu tố đó. Chính các yếu tố này đã kéo tụt NSLĐ của Việt Nam.

Động lực trong LĐ là nỗ lực từ chính NLĐ

Một trong những điều kiện tiên quyết để tăng NSLĐ, theo các DN chính là tạo động lực lao động. Bà Trần Thị Thu Hà, Trưởng phòng quản lý nhân sự của Vietinbak phân tích: “Suy cho cùng, động lực trong LĐ là sự nỗ lực, cố gắng từ chính bản thân mỗi người LĐ, nên bản thân DN phải tạo ra được động lực để NLĐ có thể làm việc đạt hiệu quả cao nhất phục vụ cho tổ chức. Có thể thấy, động lực LĐ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề tăng NSLĐ khi các điều kiện đầu vào không đổi. Tuy nhiên, động lực LĐ chỉ là “nguồn gốc” chứ không phải là ‘điều kiện” để tăng NSLĐ. Bởi tăng NSLĐ còn phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng của NLĐ, phụ thuộc vào công nghệ dây chuyền sản xuất”.

 Bà Nguyễn Thị Hương Hiền, Phó Trưởng phòng Tiền lương (Bộ LĐ-TB& XH) phát biểu tại tọa đàm

Như vậy, để tạo được động lực LĐ, điều kiện tiên quyết tăng NSLĐ chính là sử dụng những biện pháp kích thích NLĐ làm việc, bằng cách tạo cho họ cơ hội thực hiện được những mục tiêu của mình. “Các biện pháp kích thích NLĐ làm việc có nhiều, nhưng tựu trung, DN phải đáp ứng được các biện pháp cơ bản để thúc đẩy tăng NSLĐ như: bảo đảm cơ chế lương, thưởng, phúc lợi xã hội; xây dựng văn hóa DN, môi trường làm việc bình đẳng; chú trọng đào tạo, phát triển nhân tài; đầu tư khoa học công nghệ…”, bà Hà cho biết thêm.

Một ví dụ cho thấy, năng suất sử dụng vốn giữa các DN cũng có sự khác nhau. Để tạo ra 1 USD, các DN nhà nước cần 1,6 USD đầu vào. Trong khi đó, DN nước ngoài chỉ mất 69 cent để tạo ra 1 USD. DN tư nhân lại không cần dùng nhiều tiền đến như vậy, chỉ mất có 43 cent để tạo ra 1 USD. Thực tế nêu trên có lý do là do DN chưa làm tốt vai trò quản trị. Trong đó có khả năng xác định chiến lược, tầm nhìn để có sự cạnh tranh. Những khả năng đó của các DN vừa và nhỏ Việt Nam rất yếu, đó cũng là nguyên nhân làm cho NSLĐ đi xuống.

Vì vậy để giải bài toán NSLĐ các chuyên gia cho rằng, chỉ có cách đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa để một LĐ tạo ra giá trị cao hơn hẳn LĐ trong nông nghiệp, các DN trong nước phải phát triển lên để làm chủ công nghệ. Việc cải thiện NSLĐ đối với DN Việt Nam đang là một thách thức lớn, đặc biệt là trong thời điểm nước ta đang đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Xin được lấy lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch DN tỉnh Hưng Yên, Tổng giám đốc Cty may Hưng Yên, (DN có 14.000 lao động cùng 13 DN với thu nhập bình quân 6,5tr/đầu người) làm cái kết của bài này, vì xem ra rất đáng suy ngẫm: “Hiện nay Việt Nam có 65 triệu LĐ, với con số 200 tỉ USD GDP, so với NSLĐ quốc gia như vậy thì quá thấp. Như vậy, người ta đặt câu hỏi có cần khai tăng số LĐ thất nghiệp không? Việt Nam đang ở tình trạng có cơ cấu LĐ vàng, một nguồn tài nguyên quá quý giá, nhưng nếu không biết khai thác thì đáng lo ngại vô cùng. Thậm chí một lượng lớn nguồn LĐ được đào tạo là hàng triệu cử nhân vẫn đang thất nghiệp. Vậy tại sao năng suất thấp? Có thể nói rằng, NSLĐ thấp nhưng công chức ngày làm bao nhiêu giờ, thực tế làm bao nhiêu ngày? Nghèo nhưng làm ít, mà lương lại muốn cao?”…

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh