THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:53

Tăng năng suất lao động để tăng năng lực cạnh tranh

Năng suất lao động chưa cải thiện

“Trong giai đoạn 20 - 25 năm qua, NSLĐ của Việt Nam theo chiều hướng đi xuống. Theo đó, việc thay đổi xu hướng về NSLĐ là điều vô cùng quan trọng. Và để đạt được tăng trưởng NSLĐ thì phải có tăng trưởng NSLĐ từng ngành. Nếu nhìn vào quy mô 94% các cty của Việt Nam thuộc loại nhỏ, có chưa đến 50 lao động thì khó có thể tận dụng được kinh tế quy mô, song những cty có quy mô trên 300 lao động năng suất còn thấp hơn nữa, và đó là điều bất thường”- Ông Sandeep Mahajan nhấn mạnh.

Trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là NSLĐ còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống, và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa. Ông Sandeep Mahajan cũng chỉ ra một thực tế đáng chú ý, hiện có khoảng cách rất khác biệt giữa thi cử và tác nghiệp thực tế của lao động Việt Nam. Lịch sử các kỳ thi tay nghề ASEAN cho thấy, Việt Nam đã ba lần xếp thứ nhất và luôn nằm trong top 3. Gần đây nhất, Việt Nam xếp thứ nhất Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2014 với 15 huy chương vàng, cách biệt đoàn Malaysia về nhì tới 6 huy chương vàng. Rõ ràng, tay nghề của người lao động Việt Nam thuộc loại nhất, nhì trong khu vực. Vậy tại sao NSLĐ thực tế Việt Nam luôn thấp nhất khu vực?

Nâng cao NSLĐ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.


Cũng nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu khi mà NSLĐ chưa cải thiện nhưng lại chỉ tăng chủ yếu nhờ chuyển dịch lao động. Vốn đầu tư chỉ đổ vào các ngành năng suất thấp như tài chính - ngân hàng, bất động sản cũng là điều bất hợp lý, khiến thị trường sai lệch. Ông Cung cũng cho rằng, với tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình của Việt Nam giai đoạn hiện nay, thì phải đến năm 2018 Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan. “Cần phải thiết lập một thị trường hiện đại hơn cho các ngành dịch vụ. Phát triển vốn nhân lực địa phương thông qua tập trung sâu hơn vào đào tạo công nghệgiáo dục sau đại học. Nâng cao NSLĐ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và xây dựng năng lực phát triển công nghệ bản địa chính là chìa khóa cho quá trình này”- ông Cung nói.

Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị

Các tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2015 chỉ ra một loạt những “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam như: NSLĐ kém; hiệu suất lao động ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Việt Nam đều thấp và kém xa các nước trong khu vực. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là những ngành có NSLĐ thấp nhất cũng là ngành phân bổ nguồn lực nhiều nhất, bao gồm: BĐS, tài chính ngân hàng, xây dựng. Một số ngành có NSLĐ cao như: chế biến thực phẩm, dệt may và điện tử có năng suất, hiệu suất cao hơn thì lại thu hút được ít nguồn lực hơn. Vấn đề ở đây là hệ thống tổng thể không bảo đảm hiệu quả bởi những ngành có hiệu suất thấp nhất lại hút nhiều nguồn lực nhất và ngược lại.

WB nhận định, Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách. Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Hiện tượng này đặc biệt không chỉ bởi mức độ hay cường độ sức ép đối với thời gian để phát triển theo tiêu chuẩn trước kia mà còn vì sức ép của quá trình phát triển. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đồng tình cho rằng, trong các năm gần đây những điểm yếu cơ bản của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là thiếu lao động quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động được đào tạo và sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ. Các hạn chế này đều sâu sắc hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Trung Quốc… Nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhân lực phổ thông, chưa qua đào tạo. Chất lượng lao động không chỉ thấp mà còn mất cân đối về ngành nghề, vùng miền. Vì thế, theo các chuyên gia, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh, nhờ vậy họ có thể tăng trưởng và phát triển, từ đó tăng thu nhập quốc dân, đồng thời cũng cải thiện tình hình thị trường lao động và giúp hấp thụ những lao động dư thừa tự do trong quá trình tăng năng suất của ngành nông nghiệp.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh