THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:06

Năng suất lao động của Việt Nam đã có nhiều cải thiện

Tăng nhưng vẫn thấp so với khu vực

Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 3.657 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014. Trong đó giai đoạn 2006 - 2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011- 2015 tăng 4,2%/năm. Năng suất lao động năm 2015 tăng 23,6% so với năm 2010, tuy thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 29 - 32%, nhưng tốc độ tăng năng suất lao động thời kỳ này cao hơn thời kỳ 2006 - 2010, góp phần thu hẹp dần khoảng cách tương đối so với năng suất lao động của các nước ASEAN.

Tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể, nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapo, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng.

Năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.657 USD/lao động.

Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp. Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Không những vậy, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. Ngoài ra, còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chưa được khắc phục.

Chi 3.967 tỷ đồng cho an sinh - xã hội

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, đáng mừng là năm 2015 công tác an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh và hiệu quả tại các địa phương. Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2015 là 3.967 tỷ đồng, bao gồm 2.179 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.021 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 767 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác... Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012 - 2015, tính đến hết năm 2015 ngân sách nhà nước đã chi trên 60.000 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. “Trong đó 70 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, 30% tổng số người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Hàng năm ngân sách trung ương bố trí khoảng 7.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú”, ông Hà Quang Tuyến thông tin.

Cũng theo ông Tuyến, trong giai đoạn 2011- 2015 đã có trên 10 triệu lượt học sinh được hỗ trợ học phí với tổng kinh phí khoảng 35.000 tỷ đồng. Chương trình đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 15,8.000 hộ, xây dựng 910 công trình nước tập trung và bố trí 2,7.000 ha đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí giai đoạn 2011-2014 đạt gần 1,3 nghìn tỷ đồng. Ngân sách cũng dành 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 350.000 lao động nghèo học nghề miễn phí, 10 nghìn lao động thuộc các huyện nghèo được đào tạo nghề, giáo dục định hướng và đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó có khoảng 100.000 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí; 11 triệu lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 3,5.000 tỷ đồng.

NGUYỄN THANH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh