THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:42

Việc làm cho phụ nữ nông thôn: Nhiều chính sách đã được triển khai hiệu quả

Chính sách tín dụng ưu đãi cho phụ nữ được đặc biệt quan tâm

Theo Tổng cục Thống kê, tại vùng nông thôn, tỉ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp là 63,4%. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và khó khăn, thách thức. Cụ thể, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn đã được chú trọng, nhưng các loại hình đào tạo nghề dành cho phụ nữ thường là ngắn hạn và tập trung vào các kỹ năng “truyền thống” của phụ nữ, đồng thời đầu ra sau học nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, công nghệ và dịch vụ tài chính của phụ nữ nông thôn Việt Nam còn rất hạn chế.

Để hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng giúp họ tiếp cận được các quyền cơ bản, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu đưa 100% tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Theo đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, các chính sách nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng hoàn thiện. Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017… Phụ nữ nông thôn ngày càng được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách, chương trình này. Đến nay, ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Nghề đan cói xuất khẩu tạo rất nhiều việc làm cho phụ nữ ở Nam Định


Nhiều phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

Tại Hội nghị đánh giá kết quả cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016-2018, chị Tô Thị Son (người dân tộc Tày, thường trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trước đây gia đình chị có 5 nhân khẩu gồm hai vợ chồng, hai con nhỏ và một mẹ già tuổi đã cao hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn,  chị thì  ở nhà nội trợ, chăm nom mẹ và các con, chồng là lao động tự do, mọi chi phí sinh hoạt gia đình phụ thuộc vào thu nhập của chồng nên hết sức khó khăn.

Đầu năm 2016 gia đình chị được vay vốn từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm số tiền 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Với số vốn vay này cùng với khoản tích góp của gia đình và vay mượn thêm anh em họ hàng, chị đã mua 4 con bò, 2 con lợn nái, gà và chó cảnh, bên cạnh đó hai vợ chồng cũng chăm chỉ trồng trọt thêm các loại cây như mướp ngọt, ngô và bí đỏ để bán. Đến nay, vợ chồng chị  thu nhập ổn định;từ hộ khó khăn nay đã vươn lên trở thành hộ khá trong khối, thu nhập gần 140 triệu đồng mỗi năm;từ đó, trả hết nợ cho họ hàng, gia đình chị cũng đã sửa sang được nhà ở, mua sắm thêm vật dụng phục vụ cho sinh hoạt. Năm 2017, chị được UBND tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Son chỉ là một trong rất nhiều điển hình thành công nhờ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Rất nhiều điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế thành công trên địa bàn cả nước thời gian qua. Điển hình như tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã có 7 cơ sở may gia công đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động nữ ở xã và các xã lân cận. Nhiều chủ cơ sở trước đây là nữ công nhân may tại thành phố Hồ Chí Minh, giờ về quê lập nghiệp. Họ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất và tạo việc làm cho nhiều chị em nông thôn. Trung bình mỗi cơ sở may nhận gia công mỗi tháng khoảng 10 ngàn sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần tây, áo khoác, áo thun…

Hay như các xưởng tiểu thủ công nghiệp trên địa huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, điển hình là Tổ hợp đan lục bình của chị Đoàn Kim Loan (ấp Long Định, xã Hòa Định) góp phần tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ lớn tuổi tại địa phương từ việc làm ra các sản phẩm được đan từ lục bình để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện tại, Tổ hợp đan lục bình của chị Loan thu hút hơn 40 lao động trong xã Hòa Định và xã Xuân Đông tham gia. Hàng tháng, chị Loan giao gần 2.000 sản phẩm đan lục bình hoàn chỉnh cho các công ty, tùy theo kích thước và độ khó mà mỗi sản phẩm đan chị có lời từ 2.000 - 5.000 đồng…

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh