THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:03

Dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn: Vẫn là bài toán khó

Ly hương kiếm việc làm

“Ở quê thì biết lấy gì mà ăn, đành phải lên thành phố kiếm việc thôi” - lời than ấy đã thành câu cửa miệng của những người phụ nữ bán hàng rong khi họ được hỏi vì sao lên Hà Nội sống một cuộc sống tạm bợ, trong những căn nhà trọ tồi tàn. Không có việc làm thường xuyên ở quê chính là nguyên nhân trực tiếp khiến những dòng lao động không ngừng đổ dồn từ làng lên phố mưu sinh.

Chị Trần Thị Gấm, quê ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định). 6 năm trước, sau khi lấy chồng, ở quê việc làm không có nên chị đã lên Hà Nội kiếm kế mưu sinh. Ngơ ngác giữa đô thị với hai bàn tay trắng, lại không có nghề nghiệp, chị Gấm đành sắm đôi quang gánh, cùng một số chị em khác trong xóm trọ mua hoa quả đem đi bán rong khắp các hang cùng, ngõ hẻm của Hà Nội. Cuối ngày, chị lại trở về khu xóm trọ dưới gầm cầu Long Biên nghỉ tạm, và cuộc sống của chị cứ luẩn quẩn như vậy từ đó tới nay. Chị Gấm tâm sự: "Trừ tất cả mọi chi phí, mỗi tháng tôi gửi về cho gia đình được khoảng 4 triệu đồng. Ở nơi đất khách quê người, xa gia đình cũng buồn lắm, nhưng tôi vẫn phải bám trụ nơi này vì ở quê việc làm không có, trông vào mấy sào ruộng sao đủ ăn. Ở đây dù vất vả, mệt mỏi nhưng cũng có điều kiện lo cho con học hành hơn”.

Theo khảo sát từ Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiện nay hơn 70% lao động nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp... Phỏng vấn 10 người phụ nữ hiện đang sống tại thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được biết, do cách suy nghĩ của bố mẹ, con gái không cần học nhiều, nên họ càng khó tìm việc làm. Không chỉ vậy, nếp suy nghĩ bảo thủ chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình đào tạo nghề thấp hơn so với nam giới, cũng như có rất ít phụ nữ đang giữ các vị trí ra quyết định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Những yếu tố về cơ cấu ngành nghề cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách về lương theo giới ở Việt Nam, bởi phụ nữ chiếm số đông trong các ngành sản xuất mặt hàng xuất khẩu, bị ảnh hưởng trực tiếp khi kinh tế gặp khủng hoảng.

Phụ nữ nông thôn ly hương lên thành phố mưu sinh.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tốc độ đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên, dù chỉ là di cư tạm thời. Ước tính cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có hơn triệu lao động nữ tràn về để tìm việc làm.

Theo thống kê, lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29; 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19. Mặc dù vậy, hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư. Chính vì vậy, có đến 62% phụ nữ lao động di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến. Đáng chú ý, phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì, chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.

Đào tạo nghề cho phụ nữ cần linh hoạt, thiết thực

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau 5 năm thực hiện “Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015” đã có hơn 17 triệu lao động nữ (LĐN) được tuyên truyền về học nghề, việc làm; gần 2 triệu LĐN được tư vấn học nghề, việc làm; hơn 1,3 triệu LĐN được giới thiệu việc làm; các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN), cơ sở dạy nghề của HLHPNVN phối hợp với tổ chức dạy nghề để dạy nghề cho trên 1 triệu LĐN… Đây là kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”.

Như vậy, trung bình hàng năm có 162.000 phụ nữ được học nghề, vượt 300% so với mục tiêu đề án đặt ra. Tỷ lệ lao động có việc làm của những người được học nghề đạt 81%, dưới rất nhiều hình thức: 9,14% được doanh nghiệp tuyển dụng; 75,6% tự tạo việc làm, sau khi học nghề được Hội hỗ trợ vốn; 12,64% được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 2,62% tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết.Từ năm 2013 - 2015, Trung ương HLHPN Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng 239 mô hình tạo việc làm ở 63 tỉnh, thành. Mô hình tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 69,87%; phi nông nghiệp chiếm 30,13%.

Theo các chuyên gia, để nâng cao năng lực thực thi chính sách việc làm đối với LĐN, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, như: Sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung những quy định đối với LĐN không còn phù hợp trong Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật doanh nghiệp, luật bảo hiểm xã hội... Đồng thời, rà soát danh sách các nghề cần đào tạo, nghề dự phòng; rà soát danh mục công việc và nghề độc hại, nguy hiểm, cấm sử dụng lao động nữ để loại bỏ một số công việc không còn phù hợp; bổ sung một số công việc mới nhằm bảo vệ và tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho LĐN. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015 - 2020, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với tạo việc làm cho LĐN; thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, tạo việc làm cho LĐN. 

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh