THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:12

Tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn: Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Thời gian qua, các cấp, các ngành Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chú trọng tuyên truyền về đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; lồng ghép công tác “Phòng, chống bạo lực gia đình” với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở; duy trì thực hiện tốt các câu lạc bộ và tổ phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em khi sinh, giảm tỷ lệ phá thai do kém hiểu biết, do lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức hội thảo, câu lạc bộ... Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, chú trọng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho toàn dân; tổ chức xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, nhất là lao động nữ ở nông thôn, miền núi; tăng cường các hoạt động xúc tiến việc làm, giới thiệu lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuân lợi để người dân nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Do đó, đến nay, tỷ lệ biết chữ của nam trong độ tuổi 15-40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt 99%; nữ đạt trên 96%. Trong  giai đoạn 2011- 2015 giải quyết việc làm cho lao động nữ và nam đều là 49%.

Nhờ được đào tạo nghề may, nhiều phụ nữ đã vào làm việc tại công ty dệt may.

6 tháng đầu năm nay, lao động nữ được giải quyết việc làm là 42,6%; lao động nữ được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 43,5%; tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt trên 80%.

Nhằm đưa các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới vào trong hương ước, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, giúp người dân  có nhận thức đúng về bình đẳng giới và thực hiện các hành vi có chuẩn mực, văn hóa tại cộng đồng, tỉnh đã chỉ đạo điểm  xây dựng mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới” tại hai huyện Quỳ Hợp, Con Cuông. Thông qua các hoạt động của mô hình đã giúp việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng các hương ước, quy ước của cộng đồng nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, trong đó lưu ý các nội dung nhằm thay đổi quan niệm thích sinh con trai hơn con gái và phân biệt đối xử với con gái trong phân chia tài sản thừa kế.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo điểm xây dựng các mô hình: “Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”, “Ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”, phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hộp thư tiếp nhận thông tin, đường dây nóng  tại các huyện, thành thị để giúp người dân nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình, và các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Đồng thời, qua việc thực hiện các mô hình để xây dựng, hình thành và duy trì đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền về nhận diện các đối tượng mua bán phụ nữ và trẻ em để ngăn ngừa tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em gái qua biên giới. 

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh