THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:17

Nhiều đột phá thành công trong công tác bình đẳng giới

 

Hội thi “Tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ” tại tỉnh Đồng Tháp 

Nâng cao vị thế của phụ nữ

Theo báo cáo của Sở LÐ-TB&XH Đồng Tháp về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015,  trong thời gian qua ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện công tác tham mưu kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, triển khai, cũng như các Báo cáo chuyên đề, định kỳ và đột xuất về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương tổ chức đánh giá về việc triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, nâng cao trình độ năng lực mọi mặt cho phụ nữ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Giải phóng phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ  phát triển toàn diện là một trong những mục tiêu quan trọng hiện nay của Đảng  trong công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tại Đồng Tháp việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và hướng dẫn các cấp ủy đảng, các ngành khi quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo cán bộ nữ trong quy hoạch không dưới 15%. Sở Nội vụ lồng ghép về giới vào chỉ tiêu đào tạo, tuyển dụng công chức, viên chức. Các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ  bám sát vào quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, vị trí và nhiệm vụ công tác. Qua đó, trình độ cán bộ, công chức nữ được nâng lên và bố trí cán bộ nữ sau đào tạo có hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nhiều chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ được ban hành.

Thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP, của Chính phủ về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Đội ngũ cán bộ Hội được quan tâm chú trọng, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trường chính trị tỉnh mở 105 lớp tập huấn chuyên ngành cho 3.511 cán bộ, 97 cán bộ chủ chốt của Hội; cấp huyện tập huấn cho 257 cán bộ nữ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã. Sở Nội vụ tổ chức 62 lớp bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị cho 3.848 cán bộ, trong đó 1.250 là nữ, chiếm tỷ lệ  38%.

Bên cạnh đó, các mục tiêu như giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động… đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời đảm bảo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, nhằm từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, văn hóa và thông tin...

Các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề về bình đẳng giới tại Đồng Tháp

Tiếp tục triển khai nhiều chương trình về bình đẳng giới

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2015, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Đồng Tháp đã quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 1/12/2009 của Chính phủ; Chương trình hành động số 116 -CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 62/2011/NQ-HĐND ngày 10/12/2011 của HĐND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới tỉnh giai đoạn 2011-2015…

Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh sẽ tiếp tục tạo các hiệu ứng tích cực góp phần tháo gỡ những trở ngại, khó khăn về công tác cán bộ nữ hiện nay như: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vẫn còn có những bất cập. Một số ngành nghề đông nữ nhưng vẫn chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt, đa số cán bộ nữ lãnh đạo quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó. Chưa xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cho phụ nữ; phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đi học…

 

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp cho biết: Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân ghi nhận. Trong thời gian tới công tác Bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Đồng Tháp sẽ ngày càng được quan tâm thực hiện, để mỗi cá nhân, dù nam hay nữ sẽ được bảo đảm và hưởng thụ đầy đủ quyền con người, vươn lên và phát triển trong xã hội.

Với các hoạt động tích cực, hiệu quả công tác bình đẳng giới và VSTBPN trên địa bàn tỉnh đã góp phần  nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ  Đồng Tháp, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có nhữngđóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững gia đình, cộng đồng và xã hội, giảm dần sự bất bình đẳng giữa nam và nữ giới.

Ngọc Thiện

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh