Tạo sự lan tỏa về đạo lý tri ân trong toàn quân
- Người có công
- 00:50 - 25/04/2017
Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Quốc Dũng – Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
*Chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nội dung cơ bản góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin Thiếu tướng cho biết kết quả thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trong Quân đội thời gian qua?
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thương, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Với trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, cho tự do và cuộc sống hạnh phúc bình yên của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và thực tiễn tình hình phát triển của đất nước, của Quân đội, trong thời gian qua, toàn quân đã đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với nhiều nội dung thiết thực, hình thức đa dạng, phong phú, nhằm góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với NCC với cách mạng và gia đình thương binh, liệt sĩ.
5 năm qua, hoạt động “Đến ơn đáp nghĩa trong Quân đội đã đạt được những kết quả thiết thực. Toàn quân đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 10.200 hài cốt liệt sĩ; phối hợp rà soát, xác minh thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho 15,237 trường hợp. Đồng thời chủ động, tích cực giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến. Đến nay đã cơ bản giải quyết xong chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chi trả cho hơn 1.639.000 đối tượng hưởng trợ cấp một lần và hơn 12.700 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng. Đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chi trả cho hơn 1.777.000 đối tượng hưởng trợ cấp một lần và hơn 1.350 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Đối tượng dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chi trả cho hơn 110.000 đối tượng.
Quân đội đã thực hiện phụng dưỡng 1.776 Bà mẹ VNAH, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 338 con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh và vợ, con của quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh; xây dựng, sửa chữa được hơn 6.542 căn nhà tình nghĩa,7.661 căn nhà chính sách xã hội; tặng 3.462 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng, tặng công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt cho NCC trị giá 214 tỷ đồng…
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), toàn quân đang tích cực triển khai: Chương trình xây tặng 500 căn nhà tình nghĩa, 200 căn nhà đồng đội tặng các đối tượng chính sách; tiếp tục thực hiện Đề án tặng xe ô tô và trang thiết bị cho các Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng; Tổ chức Chương trình tặng “Áo ấm” cho các thương, bệnh binh nặng đang điều trị tại các Trung tâm; Chương trình “Áo lụa tặng Mẹ” tặng các Bà mẹ VNAH do Quân đội phụng dưỡng…
Những việc làm trên có ý nghĩa hết sức to lớn nhằm tiếp tục thực hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Quân đội; sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với NCC với cách mạng, góp phần giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống các đối tượng chính sách và NCC với cách mạng.
*Năm 2017, ngành LĐ-TB&X đề ra chỉ tiêu thực hiện giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng về NCC. Vậy, Cục Chính sách đã phối hợp như thế nào với ngành LĐ-TB&XH trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC ?
- Thực hiện Pháp lệnh Ưu đã NCC với cách mạng, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương – Bộ quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Cục chính sách luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là với Bộ LĐ-TB&XH tích cực chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện dân chủ, công khai, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định giải quyết xác nhận liệt sĩ, thương binh đạt được những kết quả thiết thực, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước, củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Hiện nay, số lượng hồ sơ NCC tồn đọng đã lập trước ngày 1/7/2013 còn ở trong các đơn vị quân đội từ cấp tỉnh trở lên không còn đáng kể (gần 30 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và khoảng 100 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh). Vấn đề bức xúc chủ yếu là các đơn thư kiến nghị, khiếu nại gửi tới các bộ, ngành Trung ương (vượt cấp) về giải quyết chế độ thương binh, liệt sĩ (mỗi năm khoảng 500 đơn thư của đối tượng diện tồn đọng mà chưa có cơ sở để xác lập hồ sơ).
Năm 2017, Cục Chính sách thống nhất với chủ trương, giải pháp thực hiện theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành kèm theo Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với các nội dung trọng tâm sau: Đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị cử thành viên tham gia tổ công tác liên ngành xác nhận NCC do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm tổ trưởng. Tham mưu với Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị chỉ đạo các cấp rà soát và tập hợp giải quyết các vướng mắc phần hồ sơ tồn đọng trong các cơ quan, đơn vị Quân đội từ cấp tỉnh trở lên (tỉnh và Quân khu). Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Quân khu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương (chủ yếu ngành LĐ-TB&XH) để xử lý những vướng mắc phát sinh đối với những hồ sơ tồn đọng; bổ sung, hoàn thiện đủ các yếu tố xác nhận theo quy định. Chỉ đạo tiến hành rà soát, phân loại đối tượng tồn đọng; làm rõ tính chất của từng trường hợp; xác định khả năng xác minh, lập hồ sơ xác nhận. Nghiên cứu đề xuất chủ trương tổng thể giải quyết các trường hợp tồn đọng trong thời gian tới. Tích cực xác minh giải quyết các trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại từ cơ sở; hạn chế tối đa đơn thư vượt cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong tổ chức, thực hiện.
* Để thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội trong thời gian tới Cục Chính sách đề xuất huy động nguồn lực chăm lo đời sống NCC với cách mạng như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Để thực hiện tốt chính sách hậu phương trong Quân đội trong thời gian tới, với chức năng là cơ quan nghiệp vụ đầu ngành về công tác chính sách trong Quân đội, trực tiếp nghiên cứu, tham mưu đề xuất, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách toàn quân, trong thời gian tới Cục Chính sách tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về việc huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách hậu phương trong quân đội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng mà trong đó, trước hết là đối tượng NCC.
Để làm được điều này, Ngành Chính sách Quân đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, đơn vị, địa phương; sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong huy động các nguồn lực thực hiện chính sách hậu phương quân đội nói chung và chăm lo đời sống NCC nói riêng.
Tổ chức sâu rộng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thu hút và tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ xây dựng phong trào; khơi dậy tính nhân văn xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hài hòa các lợi ích vật chất, tinh thần, động viên toàn xã hội tham gia chăm lo đời sống NCC. Có cơ chế tổ chức thực hiện, tạo sự công khai minh bạch, dân chủ trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn quỹ vốn của phong trào, phát triển mạnh mẽ hơn các thiết chế bảo đảm thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Động viên các đối tượng chính sách nỗ lực vươn lên, chủ động khắc phục khó khăn vượt lên hoàn cảnh của chính mình, làm giàu cho mình cho đất nước.
Triển khai thực hiện hiệu quả những vấn đề nêu trên không chỉ là trách nhiệm, tình cảm, tri ân của toàn xã hội, mà là việc làm thiết thực nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp cho xứng đáng”.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!