THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:45

Tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng

 

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo thống kê, tính đến hết tháng 12/ 2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm báo in, 67 đài PT-TH và gần 100 cơ quan báo điện tử được cấp phép hoạt động...

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí và số lượng các ấn phẩm báo chí, trong những năm qua, đội ngũ những người làm báo cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Từ 25.000 người năm 2005 đã tăng lên tới gần 40.000 người năm 2014 (tăng khoảng 6,5%/ năm). Trong đó, có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Riêng số lượng cán bộ, phóng viên hoạt động trong lĩnh vực PT-TH đã lên đến 13.000 người

Việc gia tăng các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ những người làm báo nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao của xã hội cũng đặt ra những yêu cầu về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Luật Báo chí ban hành năm 1989 đã được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung 1999) cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu so với thực tiễn, có những quy định còn chồng chéo và thiếu tính thống nhất, trong khi đó không ít vấn đề mới Luật chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể…Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm phù hợp, đáp ứng với yêu cầu mới là điều tất yếu”, ông Lê Như Tiến cho biết.

  Một số điểm cần được xem xét và nghiên cứu kỹ hơn

 Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm đáp ứng với tình hình mới trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cách tiếp cận thông tin của xã hội cũng như phương thức hoạt động, truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí.

Nhiều đại biểu tham gia phiên họp cho rằng, cần thiết phải làm rõ và quy định cụ thể hơn về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, từ đó khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật, tạo khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện để cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng. 

Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại phiên họp

Về mô hình hoạt động và kinh tế của các cơ quan báo chí, trên thực tế hiện nay các cơ quan báo chí đang hoạt động chủ yếu ở 3 loại hình gồm: Cơ quan báo chí của các cơ quan Đảng và Nhà nước được ngân sách Nhà nước bao cấp về trụ sở, phương tiện làm việc và toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động; loại hình thứ 2 là các cơ quan báo chí của cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội được cơ quan chủ quản bao cấp một phần về trụ sở, phương tiện làm việc, hoạt động theo nguyên tắc tự cân đối thu- chi; còn lại là các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp thuộc khối văn hóa.

Theo các đại biểu tham dự phiên họp, hiện có quá nhiều cơ quan báo chí thuộc diện bao cấp hoạt động không hiệu quả, trong khi trên thực tế, khối các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính lại đang hoạt động khá hiệu quả, được đông đảo bạn đọc cũng như khán giả và xã hội đón nhận.

Ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phân loại các cơ quan báo chí và quy định mô hình hoạt động của cơ quan báo chí phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở để Chính phủ xây dựng quy hoạch báo chí và có cơ chế tài chính tương ứng với từng loại hình cơ quan báo chí.

Ông Hải cũng cho rằng, việc quy định thanh tra báo chí cũng nên được quy định rõ, ai là đơn vị trực tiếp thanh tra báo chí?. Theo ông Hải nếu xử phạt báo chí nên quy định là Bộ Thông tin – Truyền thông, đơn vị có quyền phạt báo chí, chứ không nên để nhiều đơn vị đều có thẩm quyền xử phạt báo chí.

Bên cạnh những ý kiến như không nên gia hạn hiệu lực của giấy phép hoạt động báo chí là 10 năm mà nên để là không thời hạn, các quy định về cấp thẻ nhà báo, họp báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí cũng nhận được sự góp ý, thảo luận của nhiều đại biểu.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để ban soạn thảo Luật tiếp tục thảo luận thêm những nội dung chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội trong thời gian tới. 

BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh