THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:31

Tăng tuổi nghỉ hưu: Tăng đối tượng nào và bao giờ tăng?

Các đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu 

 

Nâng tuổi nghỉ hưu là “đi trước đón đầu”

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh 3 điểm chủ chốt chúng ta cần quan tâm khi tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là: Cần căn cứ vào sức khỏe của người lao động; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, áp lực xã hội lớn nhất hiện nay là quan hệ giữa cung lao động và cầu sử dụng lao động. Cho nên cần phải có lời giải cho bài toán “nâng tuổi nghỉ hưu thì học sinh, sinh viên ra trường ngồi ở đâu?”.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: Về lâu dài, hệ thống pháp luật xây dựng không phải để thực hiện cho trước mắt, mà phải xây dựng cho tương lai và “đi trước đón đầu”. Nếu chúng ta không chuẩn bị thì sẽ dẫn đến áp lực và tạo phản ứng của xã hội khi áp ngay tuổi nghỉ hưu, cho nên cần phải có lộ trình. Chính phủ cần tính toán, cân đối, đánh giá tác động việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để xin ý kiến Quốc hội. Vấn đề là thời điểm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi nào? Đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau? Tăng lên bao nhiêu là hợp lý - để có thể ứng phó với già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là bảo đảm an sinh xã hội. Nhà nước là chủ đạo, BHXH là trụ cột của an sinh xã hội, nhưng cần huy động toàn dân tham gia.  

“Nếu nói nâng tuổi nghỉ hưu để chống đỡ mất cân bằng quỹ BHXH, thì không hoàn toàn như vậy. Nó có tác động, nhưng nguyên nhân cơ bản chính là số lượng người đóng để cho số lượng người hưởng hiện đang có xu hướng giảm dần. Đây là một nguy cơ. Bản chất của vấn đề là đóng ít, hưởng nhiều, tuổi thọ người lao động lại nâng lên. Cho nên phải nghĩ đến nguồn để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo lương hưu đủ sống” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Vấn đề này mới đưa ra xin ý kiến. Quốc hội còn phải bàn, nhưng tôi khẳng định: Ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp, lao động ở vùng sâu, vùng sa, lao động bị suy giảm khả năng trong quá trình lao động chúng ta chưa bàn đến điều chỉnh. Có chăng những ngành nghề nào được cải thiện môi trường lao động, điều kiện làm việc tốt hơn có thể điều chỉnh một chút, nhưng phải đảm bảo được sức khỏe của người lao động”.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, về ý kiến nâng tuổi nghỉ hưu, thì một bộ phận cố bám nghế. Vấn đề này cũng có nhưng chỉ rơi vào một số cán bộ quản lý. "Tôi muốn phải tách tuổi nghề và tuổi đời nghỉ hưu. Có thể 60 tuổi nghỉ hưu, tôi đồng ý, nhưng vẫn muốn làm việc đến 65 tuổi thì BHXH cho đóng tiếp 5 năm. Để khi về hưu lương cao hơn chút, đỡ phải dựa vào con cái. Con đường đi của chúng ta là phải như vậy. Bây giờ đóng thì thấp, hưởng cao, tuổi thọ nâng lên, rõ ràng ảnh hưởng đến nhiều yếu tố. Đây là bài toán kinh tế nhưng gắn rất chặt với xã hội, cho nên dư luận rất quan tâm”- ông Lợi phân tích.

 

Vấn đề tăng tuổi nghỉ được các cơ quan báo chi rất quan tâm 

Tăng đối tượng nào và bao giờ tăng?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi, hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Một lý do quan trọng nữa đó là để cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội, bởi vì tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên, hiện trung bình tuổi thọ là 73 tuổi, vì vậy nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây vỡ quỹ BHXH. Chưa kể, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996, có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu. Năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu, đó đều là những nguyên nhân khiến cho quỹ hưu trí mất cân đối. Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên việc điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán, cân nhắc theo một lộ trình cụ thể.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết, phương án chung là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cao hơn so với hiện nay (nam 60, nữ 55). Ở đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nói chung. Tất nhiên phải tính đến những đối tượng làm ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì nghỉ thấp hơn mức trên; các trường hợp đặc biệt trước mắt vẫn giữ nguyên. Các đối tượng như các nhà khoa học, quản lý có được kéo dài hơn hay không thì vẫn chưa tính đến. Tuy nhiên, trong cái chung phải tính đến các ngành nghề để có hướng tăng trước – sau; không phải tăng luôn và tăng đồng bộ.Tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình. Nếu năm 2017, Quốc hội thông qua phương án này thì bắt đầu thực hiện từ năm 2020, để có quá trình đánh giá tất cả các tác động về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, các nước mỗi năm tăng thêm khoảng 3 – 4 tháng,  thậm có nước mỗi năm chỉ tăng 2 tháng. "Đây là cả một lộ trình, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến người lao động. Đây là quá trình tính toán phải kết hợp cả khoa học, thực tiễn để làm sao đưa ra các phương án thích hợp trình Quốc hội”- Thứ trưởng Phạm Minh Huân lưu ý.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tước đi cơ hội việc làm cho giới trẻ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân thừa nhận, Việt Nam đang trong quá trình phát triển, cho nên nếu tổng khối lượng việc làm không thay đổi, số người ở lại sẽ ảnh hưởng đến số người vào. Tuy nhiên, khi thị trường lao động sôi động hơn, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Do chúng ta không phải tăng tuổi lao động ngay và đồng loạt ở tất cả ngành nghề, cho nên các bạn sinh viên mới ra trường cũng yên tâm, không phải chính sách này mà hạn chế việc làm. Quan trọng là đào tạo có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không.

  Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, nếu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được thông qua thì việc thực hiện cũng sẽ tiến hành theo một lộ trình dài chứ không phải áp dụng ngay lập tức. Tăng tuổi hưu sẽ tác động đến vấn đề việc làm, nhưng không hạn chế cơ hội của nhóm lao động trẻ vì khối lượng công việc trong xã hội, Việt Nam là đất nước đang phát triển, thị trường lao động sẽ ngày càng được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải áp dụng cho mọi lĩnh vực ngành nghề. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải tính đến việc làm thế nào để vừa sử dụng tốt nhóm người cao tuổi nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lao động trẻ, nhất là nhóm lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao có cơ hội làm việc và cống hiến. 

 

 

Chia sẻ về quan điểm nâng tuổi nghỉ hưu, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Thực hiện Luật BHXH, nói chung là không quy định riêng cho đối tượng nào. Tất cả đều phải thực hiện nguyên tắc Đóng- Hưởng. Do vậy lực lượng vũ trang đóng cao và hưởng cao là đương nhiên. Theo đó, ở đây chỉ xét về chế độ đặc thù. "Tiến tới chúng tôi kiến nghị phần đặc thù thì ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch. Luật BHXH hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân…"-ông Liệu thông tin.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh