Những lý do cần phải tăng tuổi hưu
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:51 - 24/09/2016
Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Huân cho rằng, không phải hôm nay tuyên bố, thì đến năm 2017 tuổi nghỉ hưu tăng lên 62. Mà phải tăng dần, mỗi năm chỉ tăng mấy tháng...
Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động tới đây.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức được đề xuất sẽ tăng từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và tăng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam.
Dự kiến, năm 2017, khi trình Quốc hội bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này nhằm ứng phó với nguy cơ mất cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội, tình trạng già hóa dân số…
Thứ trưởng Phạm Minh Huân lý giải, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết do thực tế nguồn lao động ở nước ta hiện nay nữ tuổi 55, nam 60 rất nhiều người có trình độ, có năng lực, có kinh nghiệm vẫn có thể cống hiến tốt, nhưng việc sử dụng nguồn lực chất lượng cao này đang rất lãng phí. Bởi vậy, sau khi nghỉ hưu rất ít người có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hơn nữa, chúng ta đang mất cân đối giữa đóng và hưởng, đặc biệt là quỹ hưu trí do thời gian đóng quá ngắn, thời gian hưởng quá dài.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân
“Có hai khía cạnh phải tính đến: Phải tăng mức đóng hoặc phải giảm mức hưởng. Nhưng hiện nay mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động khá cao (32,5%) so với khu vực và chỉ đứng sau một số nước. Do vậy, cũng cần tính tăng mức đóng bằng cách kéo dài thời gian đóng” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói thêm.
Có những lĩnh vực cần giảm tuổi hưu?
Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách kinh tế và xã hội (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, cần đặt lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Nâng vào thời điểm nào là vấn đề cần tính kỹ.
Theo phân tích của ông Điều, hiện nay, cần tăng tuổi nghỉ hưu với những đối tượng làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, hay ở khu vực hành chính sự nghiệp, mức tăng chỉ 2 năm và 10-20 năm sau mới điều chỉnh.
Còn với lao động trực tiếp, cần cân nhắc, chưa nên nâng tuổi nghỉ hưu. Riêng đối tượng lao động làm ở khu vực nặng nhọc độc hại (dệt may, da giày, chế biến hải sản, khai thác hầm lò, công nhân điện tử...) thậm chí không nâng mà còn phải xem xét giảm tuổi hưu.
Tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người trẻ. (Ảnh: Thời báo Tài chính)
Thứ trưởng Phạm Minh Huân tiếp lời, việc tăng tuổi hưu cần tính toán dựa trên ngành nghề. Ngành nặng nhọc, độc hại tăng tuổi hưu rất khó, nhưng trong khu vực hành chính và một số ngành nghề công việc không quá nặng nhọc thì có thể kéo dài tuổi hưu.
“Nhiều nước đang tăng lên 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, nhưng ở ta nhiều chuyên gia cho rằng đối với nam thì nên tăng từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58.
Tuy nhiên sẽ căn cứ tình hình thực tế để xem có tiếp tục tăng nữa hay là giữ ở mức đấy. Sau này nếu kinh tế tốt lên, thể chất lao động tốt lên chúng ta sẽ tiếp tục tăng”, ông Huân nói.
Không thu hẹp cơ hội của lao động trẻ?
Trước không ít ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi hưu sẽ thu hẹp cơ hội việc làm của lao động trẻ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: Việc tăng tuổi hưu phải tính đến ảnh hưởng thị trường lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Không phải hôm nay tuyên bố thì năm 2017 tăng lên 62. Mà phải có lộ trình tăng dần mỗi năm chỉ tăng mấy tháng để không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường lao động.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu được nghiên cứu trên bình diện chung của người lao động, lực lượng lao động. "Công tác quy hoạch cán bộ, thay đổi tuổi thì trong lĩnh vực cán bộ phải tính toán vấn đề này. Tính toán giữa năng lực của cán bộ và quy hoạch cho đồng bộ, phù hợp" - Thứ trưởng gợi mở.
Thực tế hiện nay tại cơ quan Quốc hội, nhiều người 60 tuổi phải nghỉ hưu, trong khi đang làm tốt công việc. Do vậy, cần phải suy rộng ra chứ đừng hành chính hóa tất cả hoạt động.
“Hay như tại một số nước, những người đại diện cho dân tới 70 tuổi chưa nghỉ, thậm chí 80 vẫn tham gia nếu còn sức khỏe. Vấn đề quan trọng là có được tín nhiệm hay không”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân lập luận.