THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:12

Tăng tuổi nghỉ hưu để giảm “gánh nặng” quỹ hưu trí

 

Số dân từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần hiện tại, đạt 18,4 triệu vào năm 2040. Theo đó WB cho rằng, tình trạng già hoá dân số gây ra nhiều thách thức, trong đó rủi ro lớn nhất và cấp bách nhất là sự bền vững tài chính của hệ thống hưu trí và tỷ lệ tham gia thấp hiện nay.

Nguy cơ thâm hụt quỹ vào những năm 2020

Theo ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế trưởng của WB hệ thống hưu trí khu vực chính thức đang đối mặt với một số thách thức lớn và ngày càng nghiêm trọng khi quá trình già hóa tăng tốc. Mục tiêu của Việt Nam là nâng tỷ lệ tham gia chế độ hưu trí chính thức lên 50% vào năm 2020 sẽ khó đạt được nếu không cải cách chính sách và tăng chi tiêu công. Bởi tỷ lệ tham gia hiện còn thấp, chỉ đạt khoảng 22% lực lượng lao động, còn lại đa số chỉ được hưởng một khoản hưu trí xã hội nhỏ nếu sống đến tuổi 80.


Việt Nam đã thực hiện một số cải cách đáng kể vào năm 2014, nhưng chưa đủ nhanh và mạnh để khôi phục cân đối tài chính quỹ hưu trí. Các kết quả tính toán trước khi thực hiện sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho thấy quỹ sẽ bị thâm hụt dòng tiền kể từ đầu thập kỷ 2020 và sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ tích lũy vào khoảng giữa những năm 2030; sau đó là thời kỳ cần hỗ trợ ngày càng gia tăng từ ngân sách.

Theo đó,WB phân tích, Luật BHXH 2014 đã cải thiện tình hình tài chính quỹ hưu trí, tuy nhiên, hiện các yếu tố chính dẫn đến mất cân đối quỹ hoặc là vẫn chưa được sửa đổi (như tuổi nghỉ hưu) hoặc sửa đổi chưa đủ mức (ví dụ tỷ lệ hưởng và quy định nghỉ hưu non) để khôi phục bền vững quỹ. Vì vậy, quỹ hưu trí vẫn có khả năng bị thâm hụt vào những năm 2020.

Thách thức tiếp theo là mức hưởng. Mức hưởng hưu trí ở khu vực chính thức hiện nay còn khá "hào phóng", khi tỷ lệ hưởng trên mỗi năm đóng góp là 3% đối với nữ và 2,25% đối với nam. So với tiêu chuẩn quốc tế thì đây là tỷ lệ rất cao, không bền vững về mặt tài chính. Tuy tỷ lệ cao như vậy, nhưng mức hưởng vẫn thấp do hầu hết mọi người chỉ đóng góp dựa trên lương cơ bản và thường là dựa trên lương tối thiểu.

“Nếu không giải quyết vấn đề này thì khó có thể điều chỉnh giảm bớt tỷ lệ hưởng đủ mức cần thiết để đảm bảo cân đối tài chính. Năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cải cách nhằm mở rộng cơ sở tính đóng góp gồm không chỉ lương cơ bản mà còn gồm cả phụ cấp, thưởng và các chế độ trả công khác. Đây là bước đi đúng hướng nhằm giải quyết vấn đề trên”, đại diện WB khẳng định.

Cần mở rộng diện tham gia hệ thống hưu trí

Theo ông Philipp O’Keefe, nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc theo đuổi mục tiêu mở rộng diện tham gia hệ thống hưu trí thì cần phải thực hiện cải cách hệ thống theo chiều sâu và theo chỉ số, làm cho nó trở nên ít tốn kém hơn. Trong kỳ trung hạn, Việt Nam không thể duy trì hệ thống hiện tại mà không cải cách. Chế độ hưu trí chính thống đã đến lúc thực sự cần một đợt cải cách nữa.

Trong đó, cần xem xét các biện pháp đã thực hiện tại nhiều nước trong thời gian gần đây như: Tăng dần tuổi nghỉ hưu theo chế độ chính thức đối với cả nam và nữ (hiện nay là 55 đối với nữ và 60 đối với nam); mục tiêu cuối cùng là 65 đối với cả hai giới. Việc thực hiện theo giai đoạn sẽ mất thời gian. Tốc độ vừa phải sẽ là mỗi năm tăng thêm 4- 6 tháng. Sau khi đã đạt mức này, những lần điều chỉnh tiếp theo sẽ thực hiện tự động gắn với tuổi thọ trung bình khi nghỉ hưu.

Do quy định dễ dãi nên đa số đối tượng hưởng BHXH nghỉ hưu sớm 3- 4 tuổi. Vì vậy, cần giảm mức hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm nhằm giảm bớt sức hấp dẫn tài chính đối với những người muốn nghỉ hưu sớm.

WB cũng cho rằng, cần tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ hưởng trên mỗi năm đóng góp, trước mắt là hạ xuống mức dưới 2% đối với cả nam và nữ; dần dần giảm tiếp nhằm đạt tỷ lệ 40- 50% đối với toàn bộ thời gian đóng góp. Loại bỏ dần các nghề đặc biệt được hưởng hưu trí và các chế độ đặc biệt, tốt nhất là dừng thực hiện đối với những người mới tham gia ở hầu hết các nghề. Ngoài tuổi nghỉ hưu ra, còn cần thực hiện một số biện pháp tại doanh nghiệp (DN) nhằm nâng số năm làm việc và làm cho lao động cao tuổi hấp dẫn hơn đối với DN.

Một trong số các biện pháp đó là giảm mức lương thâm niên vì trả công theo thâm niên làm cho lao động cao tuổi trở nên kém hấp dẫn và tiền công không gắn với năng suất của người lao động. Nên khuyến khích họ làm việc theo thời gian linh hoạt và điều chỉnh chỗ làm phù hợp hơn với thể chất lao động cao tuổi. Bên cạnh đó, theo ông Philip O’Keefe, muốn nâng tỷ lệ tham gia chương trình hưu trí đóng góp trong khu vực phi chính thức cần xem xét mở rộng chương trình trợ giá của Nhà nước (Chương trình đồng đóng góp theo mức cố định: Người lao động đóng một phần, Nhà nước hỗ trợ một phần) thì mới có thể “lôi kéo” người lao động trong khu vực này tham gia.. Theo đó, chương trình này cần được thiết kế đơn giản, dễ giải thích cho người lao động trong khu vực phi chính thức. Mức đóng góp đồng hạng hoặc phân lớp một cách đơn giản. Thời hạn chi trả linh hoạt và cơ cấu quyền lợi đơn giản.

 

Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051. Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu là hết sức cần thiết.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh