THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:56

Tiếp tục lắng nghe, hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Đến nay dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét". Ảnh: Mạnh Dũng


Tiếp tục lắng nghe, kể cả ý kiến trái chiều

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Trưởng ban soạn thảo cho biết, đây là một Bộ Luật khổng lồ, lần sửa đổi này gần như toàn diện (với 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ Luật hiện hành) với nhiều nội dung mới, nhạy cảm chưa có trong tiền lệ cần phải được bàn kỹ lưỡng, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của NLĐ, phù hợp với pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của 70 Bộ ngành, hiện Bộ luật đang được tiếp tục lấy ý kiến nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo cũng song song xây dựng dự thảo 14 Nghị định hướng dẫn thi hành để ngay sau khi Bộ Luật được Quốc hội thông qua (dự kiến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV) và có hiệu lực thi hành, Luật có thể đi ngay vào cuộc sống.

“Đến nay, cơ bản dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã hoàn tất và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Chính phủ đã cho ý kiến 2 lần; Bộ Tư pháp đã thẩm định chính thức; Dự thảo Bộ luật đã được đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên cổng thông tin Chính phủ; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm định sơ bộ; UBTV Quốc hội đã nghe và cho ý kiến tại phiên họp thứ 34 (tháng 5/2019)”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tiếp thu ý kiến của UBTV Quốc hội tại phiên họp thứ 34, Ban soạn thảo đã dự thảo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. “Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và dự thảo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Bộ luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, ban soạn thảo mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, các Bộ ngành có liên quan. Kể cả các ý kiến trái chiều, để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ Luật một cách đầy đủ, chất lượng cao nhất. Đảm bảo khi Luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị. 

Đến năm 2036, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới là 60


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: "Tuổi nghỉ hưu của lao động đặc thù do Chính phủ quy định"      Ảnh: Mạnh Dũng


Góp ý kiến dự thảo Bộ luật và dự thảo tờ trình của Chính phủ, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo và thể hiện sự đồng tình với dự thảo Luật và dự thảo tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Ngọ Duy Hiểu vẫn băn khoăn về quy định độ tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật. “Về cơ bản tôi đồng tình với độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62, nữ là 60 theo phương án 1 mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, đối với những lĩnh vực lao động đặc thù, nặng nhọc, nguy hiểm... thì quy định NLĐ nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi thì rất khó cho NLĐ”, ông Hiểu bày tỏ.

Cùng mối băn khoăn, đại diện Bộ GD-ĐT nêu thực trạng: “Đối với giáo viên Mầm non và Tiểu học, học sinh thường không thích học các cô giáo già. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu độ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với đối tượng này”.

Trả lời những băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Tổ trưởng tổ soạn thảo dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) khẳng định: “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60 quy định trong dự thảo Luật là đối với lao động bình thường, làm việc trong điều kiện bình thường. Còn đối với các lĩnh vực lao động đặc thù khác sẽ do Chính phủ quy định”

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc Chính phủ lựa chọn phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng lên 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. “Với lộ trình tăng tuổi như vậy thì phải đến năm 2036, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ mới là 60 tuổi; đến năm 2029 tuổi nghỉ hưu của lao động nam mới là 62 tuổi”, Thứ trưởng Diệp phân tích.

Đa số người dân đồng thuận với đề xuất ngày nghỉ  Lễ 27/7


Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: "Tôi và nhiều cơ quan, tổ chức đồng tình với đề xuất có thêm ngày nghỉ Lễ 27/7" .            Ảnh: Mạnh Dũng

 

 Tại cuộc họp về các ngày nghỉ Lễ trong năm được quy định trong dự thảo Luật, đa số các ý kiến thống nhất với đề xuất có thêm ngày nghỉ Lễ 27/7. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói: “không chỉ riêng cá nhân tôi, mà theo thăm dò thì tôi thấy đề xuất có thêm một ngày nghỉ Lễ dịp 27/7 được nhiều người dân và cơ quan, tổ chức đồng thuận”.

Khẳng định việc lựa chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ để làm công tác tri ân (Ngày Tri ân) là phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc và nguyện vọng của nhân dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “theo một số tờ báo điện tử có lượng bạn đọc lớn khảo sát, lấy ý kiến của người dân về ngày nghỉ Lễ 27/7 thì đại đa số người dân đồng tình có thêm ngày nghỉ Lễ 27/7. Như vậy cho thấy việc Chính phủ đề xuất có thêm ngày nghỉ Lễ 27/7 trong năm là rất phù hợp nguyện vọng của nhân dân, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam”.

Khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các Bộ ngành và nhân dân từ nay cho đến khi Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua (dự kiến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào tháng 10/2019), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. “Trên cơ sở ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật và dự thảo tờ trình của Chính phủ một cách chất lượng nhất để trình ra Quốc hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh