CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Tăng trưởng tín dụng 5 tháng: Hầu hết các phân khúc được khơi thông

Không lo tăng trưởng theo mùa vụ

Ảnh minh họa

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm khác biệt trong tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2016 đó là tín dụng ngoại tệ tăng trưởng âm. Tính đến ngày 31/5/2016, tín dụng ngoại tệ giảm 5,96% so với cuối năm 2015.
Như vậy, có thể thấy đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.

Điều này được thể hiện ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dòng tín dụng đã chảy đều hơn và tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm nay tăng 5%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tín dụng trong những tháng đầu năm nay tiếp tục đáp ứng được nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và đạt tốc độ cao nhất trong 3 năm gần đây.

Còn tại thành phố Hà Nội, mặc dù chưa công bố con số tháng Năm nhưng 4 tháng đầu năm, tổng dư nợ trên địa bàn thành phố ước đạt 1.297 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 4,8% so tháng 12/2015. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 746.000 tỷ đồng, chiếm 57,5% trong tổng dư nợ, tăng 1,7% so tháng trước và 4,6% so tháng 12; dư nợ trung và dài hạn tương đương với dư nợ tháng 3/2016 và đạt 551.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so tháng 12. Trong tổng dư nợ thì dư nợ cho vay chiếm 75%; đầu tư chiếm 25% và chủ yếu là đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Trong tổng dư nợ cho vay thì tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 42,2%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,9%; cho vay tiêu dùng chiếm 9,1%; cho vay bất động sản chiếm 8,6%; cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 7,1%.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm nhận định, nếu như thời điểm này của hai năm trước thì các ngân hàng phải "đỏ mắt" đi tìm khách hàng nhưng năm nay, công việc này đã bớt áp lực hơn.

Ông Kiêm cho biết, hiện những lĩnh vực cho vay của các ngân hàng tăng trưởng cao hơn năm trước chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, Đến thời điểm này, tín dụng tại VietinBank tăng trưởng tốt. So với cuối năm trước, tín dụng của VietinBank tăng trưởng 6%. Chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng là 18%.

"Với đặc thù tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam theo mùa vụ, chủ yếu tập trung vào quý 3, quý 4 nên chúng tôi hoàn toàn có thể đạt được chỉ tiêu trên. Tùy theo diễn biến, nhu cầu thực tế thị trường, nếu cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu ngân hàng sẽ báo cáo đề xuất Ngân hàng Nhà nước," ông Thọ chia sẻ.

Hầu hết các phân khúc khách hàng của VietinBank đều tăng trưởng tốt như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân… nhưng phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tốt nhất. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, trong khi các doanh nghiệp cũ cơ cấu lại hoạt động hiệu quả hơn, cộng với việc tình hình kinh tế có chút cải thiện nên nhu cầu vốn sẽ tăng lên để phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Phòng Tín dụng Nông nghiệp nông thôn - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết thêm điểm tích cực, năm nay mức độ trồi sụt giữa các tháng khá ít, cho thấy sự ổn định trong tăng trưởng tín dụng, sức khỏe của doanh nghiệp cũng được cải thiện hơn. Nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ- đối tượng thường tăng trưởng thấp hơn so với các lĩnh vực khác thì năm nay lại có sự tiến bộ vượt bậc.

Ông Tần chia sẻ: "Có nhiều nguyên nhân tác động tích cực đối với lĩnh vực này là sức khỏe doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt hơn nên khả năng tiếp cận vốn tốt hơn, các ngân hàng cũng tạo điều kiện về cơ chế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ có quan hệ với ngân hàng tốt thì những lần vay sau, khâu thẩm định các phương án sẽ đơn giản hơn so với lần đầu."

Cần "hãm phanh" tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Tại Chỉ thị 04 của Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi đầu năm đã yêu cầu các đơn vị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng. Theo đó, tín dụng chỉ được tập trung nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

“Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Lãnh đạo Vụ Tín dụng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần thiết phải quan tâm đến các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trên. Theo vị này, những khoản đầu tư quá lớn khi phát sinh rủi ro thì thiệt hại sẽ nghiêm trọng. Do đó, ngân hàng nên tìm phương án phân tán rủi ro như thực hiện đồng tài trợ tín dụng để nếu có rủi ro cũng được san sẻ. Những trường hợp dự án quá lớn tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lưu ý, Chỉ thị của Thống đốc nêu ra những lĩnh vực tiềm ẩn để các tổ chức tín dụng cân nhắc thận trọng khi cho vay chứ không phải “đóng cửa” đối với các khách hàng trong những lĩnh vực này.

"Thị trường biến động rất khó lường nên ngoài việc đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế vẫn phải đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng. Đấy là nguyên tắc. Dù khách hàng lớn hay nhỏ thì ngân hàng đều phải thực hiện nghiêm túc điều này," ông Tần nhấn mạnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh