Tín dụng chính sách với phát triển kinh tế xanh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:33 - 03/06/2016
Đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần phủ xanh những cánh rừng (Trong ảnh là hộ gia đình của anh Nguyễn Thanh Bình, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định được giải ngân 52 triệu đồng theo chương trình dự án phát triển Lâm nghiệp (WB) đầu tư trồng 6ha rừng keo tràm)
Trước tình hình biến đổi khí hậu, cùng với tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã tác động nhiều đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giải quyết hậu quả biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo đảm môi trường - môi sinh. Giải pháp về tài chính, trong đó có chính sách tín dụng “xanh” được xem là có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng “xanh”, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng nông thôn. Cùng với đó, NHCSXH cũng đang thực hiện cho vay theo chương trình dự án phát triển Lâm nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung Việt Nam; và Quỹ bảo tồn thiên nhiên.
Hơn 8.000.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng nhờ nguồn vốn ưu đãi
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình khu vực nông thôn được vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng/hộ.
Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không nhằm mục tiêu kinh doanh mà nhằm mục đích giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, các nguồn nước sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn được cải thiện đáng kể
Hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 63%. Sau hơn 10 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ trên 21.343 tỷ đồng với gần 2,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình đến nay đã có trên 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Là một trong những hộ gia đình vay vốn ưu đãi để lắp đặt nước máy sử dụng, chị Kator Thị Quý ở thôn Rã Trên, huyện Phước Trung (Ninh Thuận) cho hay: “Cũng nhờ NHCSXH cho vay vốn kịp thời, tôi lắp đặt đồng hồ nước hết gần 1,2 triệu đồng, đến nay đã sử dụng được 2 tháng. Cước tiền nước tháng trước chỉ 40.000 nghìn đồng, tiết kiệm gấp nhiều lần so với trước đây phải mua nước lẻ từng bình”. Còn chị Chamaléa Thị Đuống ở thôn Tham Dú, huyện Phước Trung (Ninh Thuận) cho hay: “Gia đình mình vay 12 triệu đồng vừa để lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, vừa xây nhà vệ sinh. Nhờ sự quan tâm đầu tư nhà máy nước của tỉnh, lại có thêm vốn vay ưu đãi từ NHCSXH nên mình và nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi vì từ nay đã có nguồn nước chất lượng để sử dụng, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường”.
Bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu từ những dự án trồng rừng
Với cho vay theo chương trình dự án phát triển Lâm nghiệp được triển khai tại 6 tỉnh là: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tính đến hết tháng 4/2016, tổng dư nợ cho vay phát triển Lâm nghiệp đạt hơn 516 tỷ đồng với gần 17 nghìn khách hàng còn dư nợ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 11 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 30 tỷ đồng với 242 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 70 nghìn ha rừng trồng sản xuất.
Chương trình đã góp phần vào cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân trong vùng dự án, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Bảo vệ môi trường tăng độ che phủ rừng thông qua hoạt động trồng rừng đã cải thiện đáng kể chất lượng đất và chống xói mòn rửa trôi, cải thiện môi trường sống và làm giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu. Dự án đã có những tác động lớn về mặt chính sách trong chiến lược phát triển rừng trồng quốc gia đến năm 2020. Thông qua những chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình vay vốn tín dụng trồng rừng với lãi suất ưu đãi dự án đã khuyến khích việc kinh doanh phát triển rừng góp phần phát triển ngành lâm nghiệp của đất nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, hộ nông dân ở thôn Tùng Khánh xã Cát Hiệp đã vay 52 triệu đồng trồng được 6ha rừng keo lá tràm trên vùng đất trống tâm sự: "Do đất nông nghiệp ít nên gia đình trước đây phải đi làm thuê ở nơi khác. Ngày nay, cả 3 bố con tôi đã trở lại làm giàu ngay trên mảnh đất gió cát của quê hương bằng nghề trồng rừng theo Dự án". Cũng theo ông Bình thì đầu tư 1ha rừng nguyên liệu giấy chi phí mất 15 triệu đồng cho việc trồng mới và chăm sóc, sau 7 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 80 triệu đồng/ha. Trừ đi các khoản chi phí, mỗi ha rừng đem lại số lãi bình quân hàng năm từ 8 - 10 triệu đồng, đối với những hộ trồng từ 5ha rừng trong vùng Dự án phát triển lâm nghiệp có thể giàu có từ rừng.
Theo đánh giá của Bí thư huyện ủy huyện Phù Cát Phạm Ngọc Trình: "Nhờ làm tốt công tác tín dụng chính sách nên đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, đặc biệt còn làm bà đỡ xây dựng những mô hình, những điển hình làm giàu ngay trên vùng đất cát, bạc màu. Đáng kể nhất là việc nông dân xã Cát Hiệp đã sử dụng vốn vay ưu đãi vào thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB3) tài trợ, trồng rừng nguyên liệu giấy, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Qua đây, có thể thấy rõ chính sách tín dụng “xanh” đang là “điểm tựa” vững chắc, vì sức khỏe của cộng đồng, cải thiện môi trường sống, trồng rừng bền vững góp phần bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cho người dân hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.