Tăng tín dụng cho vùng lõi nghèo Tây Bắc
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 04:37 - 22/09/2016
Ngày 21/9/2016, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015) thực hiện tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc và kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, do ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Vùng Tây Bắc luôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và quan hệ giao lưu quốc tế. Đầu tư cho vùng Tây Bắc phát triển toàn diện luôn là nhiệm vụ được Chính phủ ưu tiên. Trong những năm qua, bộ mặt nông thôn, miền núi Tây Bắc đã và đang có những khởi sắc mới; phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế và đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế toàn vùng tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người từng bước thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân cả nước (năm 2015 đạt 27,8 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với 2011);
Công tác xóa đói, giảm nghèo được cấp uỷ, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, trong đó có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Ngân hàng chính sách xã hội. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho người lao động đạt kết quả tích cực, đưa tổng số lao động qua đào tạo lên 45%; xuất khẩu lao động được coi là hướng quan trọng trong chương trình giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, song Tây Bắc vẫn là vùng nghèo khó nhất so với các vùng miền trong cả nước.
Đối với hoạt động tín dụng chính sách, hệ thống NHCSXH đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Tây Bắc để tập trung các nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các tỉnh trong vùng. NHCSXH thực sự là một “điểm sáng” trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo trên phạm vi toàn quốc nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng; tín dụng chính sách xã hội trở thành một kênh tín dụng quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai tại vùng Tây Bắc đã giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được vay vốn với lãi suất ưu đãi; thủ tục thuận lợi, đơn giản, không mất chi phí về hồ sơ. Với gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác, bao gồm: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở...
Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi, với doanh số cho vay đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn vay vốn NHCSXH; tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Bắc chỉ là 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 114 nghìn lao động, trong đó gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 121 nghìn học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 681 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 61 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng Tây Bắc...
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các tỉnh trong vùng đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và ủy thác nguồn vốn cho NHCSXH, với tổng giá trị hỗ trợ đạt trên 116 tỷ đồng; trong đó, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay 91 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH (bằng 46% nguồn vốn bổ sung trong hơn 05 năm qua của toàn vùng). Từ đó, đã đưa tổng nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng trên địa bàn đến nay là 492 tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng cũng đã được các cấp, các ngành trong vùng và NHCSXH tiếp tục quan tâm thực hiện. Trong gần 02 năm qua, chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể, năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn toàn vùng là 0,34% đến nay giảm còn 0,25%.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp 3 lần cả nước); nguồn vốn còn hạn hẹp; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng (như mưa lũ, rét đậm, rét hại, băng tuyết, thiên tai, dịch bệnh...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay.
Để thực hiện tốt tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị: Cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Bắc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...
Đối với NHCSXH, tiếp tục bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; của các Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương vùng Tây Bắc đối với tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc; củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là Điểm giao dịch đặt tại các xã, đảm bảo ngày càng phục vụ tốt hơn và rộng khắp đến tất cả người nghèo và các đối tượng chính sách...
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp thu tinh thần của Hội nghị để nghiên cứu, rà soát, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ tạo cơ chế chính sách và nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động nhằm thực hiện tốt nhất các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã biểu dương, khen thưởng đối với 20 tập thể và 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Tây Bắc giai đoạn 2011-2015.