Nhiều chính sách, giải pháp trợ giúp người khuyết tật
- Tây Y
- 20:47 - 29/12/2017
Ngày 29/12, Uỷ ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam tổ chức Hội nghị thường kỳ tổng kết năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay Quốc hội đã thông qua 4 đạo luật lồng ghép các quy định liên quan đến NKT (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ), nhờ đó xã hội đã có những thay đổi về nhận thức nhờ đó NKT đã tự tin hơn hòa nhập với cuộc sống. Cùng với đó các rào cản xã hội, rào cản giao thông, đi lại, thông tin... từng bước giảm dần, quyền NKT ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan Cho biết: cần quan tâm đến việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan vẫn còn nhiều địa phương chưa chủ động triển khai chính sách và còn thụ động chờ hướng dẫn của Bộ, ngành như: Chính sách ưu đãi với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT; chính sách hỗ trợ, cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT chưa được các địa phương triển khai hiệu quả.
Liên quan đến việc triển khai trợ giúp giáo dục cho NKT đại diện Bộ GD& ĐT cho biết, nhiều địa phương còn do dự muốn giữ nguyên Trường chuyên biệt hoặc chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đối với sự phát triển chung của giáo dục hòa nhập tại địa phương nên ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển đổi và xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách về giáo dục đối với NKT ở một số địa phương còn gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành chức năng. Chính sách cho các giáo viên dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập (theo Nghị định 28/NĐ-CP) nhiều tỉnh được kiểm tra chưa thực hiện do chờ đợi công văn hướng dẫn của Sở Tài chính.
Lương Phan Cừ - Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT & TMC Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, NKT gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do không có việc làm, không có nguồn thu nhập ổn định, luôn phải sống dựa vào gia đình, người thân và cộng đồng. Họ luôn bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên thường mặc cảm sống biệt lập với xã hội, khó hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó hiện nay việc lồng ghép các chính sách, nguồn lực trong các chương trình nhất là chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho NKT chưa hiệu quả.
Ở nhiều địa phương không quan tâm đầu tư nguồn lực nên NKT vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận, chăm sóc sức khỏe, việc làm, thu nhập, đặc biệt là vấn đề hòa nhập xã hội. Điều đó đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm đến việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật. Tức là phải huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội kể cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần vào việc bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật.
Các đại biểu chia sẻ nêu những giải pháp trợ giúp người khuyết tật.
Để tháo gỡ những khó khăn cũng như nâng cao nhận thức của cấp cơ sở đối với công tác NKT, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong những năm qua Nhà nước đã chú trọng đầu tư nguồn lực để rút ngắn khoảng cách các rào cản xã hội, rào cản giao thông...cho NKT. Trong đó ngân sách nhà nước đã cân đối, bố trí kinh phí cho các Bộ, cơ quan trung ương trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách liên quan đến hỗ trợ NKT. Bên cạnh đó là thông qua các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia. Song các địa phương lại không quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, bố trí nguồn lực để hỗ trợ NKT.
"Ngân sách Nhà nước thì có hạn trong khi đó rất nhiều đối tượng cần trợ giúp, nếu các địa phương chỉ trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước thì sẽ rất khó có thể đáp ứng được. Để NKT được quan tâm, tạo điều kiện hòa nhập tôi đề nghị Ủy ban NKT Việt Nam cần yêu cầu các địa phương có báo cáo về những việc đã làm và hạn chế trong thực hiện chính sách cho NKT"- đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.