Thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:08 - 08/12/2017
Giáo dục hướng nghiệp: Còn gặp khó khăn
Đối với NKT, nỗi lo sợ nhất mà họ gặp phải khi bắt đầu một khóa đào tạo nghề, không phải là hoàn thành chương trình học, mà là sống được bằng chính nghề đã được học. Bởi, không phải nơi nào cũng tạo điều kiện cho NKT được làm việc. Em Nguyễn Thị Vân (SN 1996), quê huyện Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ: “Em vào học nghề may tại trung tâm đã hơn 1 năm, nhưng học xong cũng chưa biết sẽ xin vào đâu để làm việc. Người bình thường tìm kiếm việc làm còn khó, cử nhân thất nghiệp vẫn còn rất nhiều, thì đối với những người tàn tật như bọn em lại càng hoang mang hơn. Em chỉ mong có được một công việc để có thể tự nuôi sống mình, bớt gánh nặng cho gia đình”.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng số NKT sau khi kết thúc khóa học có thể tự lao động độc lập không nhiều, họ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của người thân và các đồng nghiệp trong quá trình làm việc. Nguyên nhân chính là do ngay từ đầu, đa số NKT không được tư vấn hướng nghiệp, vì vậy họ không biết mình có thể làm tốt việc gì. Mặc dù nhu cầu học nghề của NKT là rất cao nhưng do điều kiện khó khăn, đi lại vất vả nên chưa mạnh dạn đi học.
Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) cho biết, theo khảo sát 100% NKT nhận ra rằng: Có việc làm sẽ giảm bớt sự thất vọng và cô đơn. Thế nhưng để có việc làm họ đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: Không học vấn, không đủ trình độ tay nghề làm việc, thị trường thay đổi nhanh, thái đô, quan điểm của người sử dụng lao động, không tiếp cận được các cơ hội tự tạo việc làm, điều kiện làm việc không công bằng, chi phí liên quan tới việc làm cao.
Nhà nước đang thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính và các ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề cho NKT.
Theo ông Cử, những trở ngại đó có thể khắc phục được, song không phải dễ. Cần có nhiều hơn những trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ, gắn kết NKT và doanh nghiệp, đóng vai trò tư vấn cho NKT các kỹ năng chuyên môn. Về thông tin liên quan đến công việc, nắm được từng dạng tật giúp họ lựa chọn giải pháp khắc phục thích hợp, vừa thuyết phục các doanh nghiệp chấp nhận người lao động khuyết tật. Song song đó, xã hội hóa công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, sắp xếp việc làm phù hợp với sức khỏe, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, phù hợp với điều kiện kinh tế từng địa phương cũng là cơ sở để NKT phục hồi chức năng và phát triển ngay tại cộng đồng.
Nhiều chính sách và hoạt động hỗ trợ cụ thể
Hỗ trợ dạy nghề cho NKT, Nhà nước đang thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính và các ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề cho NKT. Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, được hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo...
Đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề cho NKT. Đối với NKT tham gia học nghề được xem xét cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn, giảm học phí căn cứ vào mức độ khuyết tật và mức suy giảm khả năng lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đồng thời ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, qua đó góp phần tăng thêm nhiều cơ hội việc làm cho NKT.
Báo cáo của Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho thấy, trong 25 năm qua, Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được hơn 2.523 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 268,2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ NKT trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ. Trong đó, Hội đã tổ chức nhiều hình thức dạy nghề, tạo việc làm cho 27.400 lượt NKT với tổng kinh phí 74,2 tỷ đồng, NKT học nghề có việc làm đạt tỷ lệ 70%.
Hội cũng đã đề ra chương trình “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới”, tạo cơ hội thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống thông qua các chương trình xây nhà, công trình vệ sinh, tặng vật nuôi, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật... Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ vay vốn cho gần 5.000 lượt người, trị giá 10,7 tỷ đồng; hỗ trợ vật nuôi cho 4.500 gia đình, trị giá 15 tỷ đồng...
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã có một hệ thống an sinh xã hội và các chính sách tương đối đầy đủ cho NKT, như chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục... song những chính sách này chưa được thực hiện đồng bộ. NKT vẫn còn bị giới hạn trong không gian gia đình, hay rất khó khăn khi tiếp xúc môi trường bên ngoài. Tình trạng này dẫn đến NKT không có tầm nhìn rộng cũng như không thể tham gia đầy đủ các hoạt động tại địa phương họ đang sống. Thế nhưng, cái chính là tự bản thân NKT phải tự tin phấn đấu để vươn lên.