THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:49

Tăng cường việc làm bền vững cho lao động nữ nhập cư

Lao động nữ nhập cư thiếu kỹ năng, công việc bấp bênh

Chia sẻ kết quả khảo sát, T.S Nguyễn Quang Việt – Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp – Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp hơn đáng kể so với lao động qua đào tạo (4,8 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng/tháng). Nhìn chung thu nhập của lao động nữ di cư là thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống, những người đang phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Thời gian làm việc  ở một số cơ sở thường kéo dài (hơn 9 giờ/ngày) và một số ngày nghỉ trong tuần ít (thường chỉ được nghỉ 1 ngày). Lao động nữ di cư gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo tại nơi đến. Con cái của họ cũng gặp những khó khăn tương tự trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục trên địa bàn cư ngụ.

Cuộc sống phụ nữ di cư dễ bị tổn thương do không được tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.

 

 Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng khoảng 70% phụ nữ nhập cư lao động trong khu vực phi chính thức chưa có được hợp đồng lao động; đại đa số nữ lao động nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức và chưa được được đào tạo kỹ năng nghề. Họ chỉ có được các kỹ năng nghề nghiệp qua tích lũy kinh nghiệm thực tế làm việc. Hầu hết nữ lao động nhập cư tham gia khảo sát không biết ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học; kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp còn hạn chế. 256 nữ lao động nhập cư được hỏi cho biết có rất ít cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng nghề do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài.

Lao động nữ ít được tham gia bảo hiểm xã hội (30%), bảo hiểm y tế (39%), bảo hiểm thất nghiệp (21%) tại nơi làm việc. Các chế độ BHXH tự nguyện chỉ bao gồm lương hưu và trợ cấp tử tuất, mà không có chế độ thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Với khu vực phi kết cấu lao động nữ di cư chỉ có thể tham gia BHXHTN nhưng loại bảo hiểm này không bao gồm hai lợi ích ngắn hạn mà họ thực sự cần để giảm thiểu và ứng phó với những rủi ro trong việc làm và đời sống của họ và họ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Nhiều rào cản tiếp cận an sinh xã hội

 “Chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin hoặc tư vấn về nghề nghiệp việc làm. Một số người trong chúng tôi muốn được tham gia BHXH và y tế tự nguyện, nhưng chúng tôi không có được thông tin là đóng như thế nào, ở đâu. Hơn nữa, nếu chúng tôi đóng BHXH tự nguyện, bảo hiểm này không áp dụng cho các ngày nghỉ phép do con ốm, do mình ốm hay bệnh tật hoặc tai nạn nghề nghiệp trong khi quyền lợi ngắn hạn này lại rất quan trọng đối với chúng tôi”- Chị Nguyễn Thị Xuân quê Hưng Yên chia sẻ tại hội thảo. 

Theo T.S Nguyễn Quang Việt, hiện chúng ta đã có hệ thống luật pháp, chính sách về lao động, việc làm khá toàn diện, trong đó có các quy định hỗ trợ áp dụng cho lao động di cư và lao động nữ di cư. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay vẫn là việc thực thi luật pháp, chính sách liên quan đến nhóm lao động này. Mặt khác, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào dành cho nữ lao động nhập cư trong khu vực kinh tế phi chính thức vì hầu hết các luật pháp và chính sách đều hướng tới điều chỉnh đối tượng lao động làm việc ở khu vực chính thức. Dó đó lao động nữ nhập cư gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.  

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam Sharon Kane cho rằng, nhu cầu việc làm bền vững, môi trường sống an toàn và cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh  xã hội ở các khu vực đông người nhập cư luôn rất lớn. Tổ chức Plan International cũng đang thực hiện các chương trình phù hợp với các Công ước này nhằm không ngừng thúc đẩy khả năng của phụ nữ có được việc làm bền vững đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

Lao động nữ di cư sống trong những phòng trọ tạm bợ ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

 

Bình luận về những khuyến nghị dành cho Việt Nam, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, nếu các nỗ lực nhằm hạn chế khoảng cách về giới và tăng cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ không được đẩy mạnh, những thay đổi có tính xu thế hiện nay như biến đổi khí hậu, nhân khẩu học, di cư và cách mạng kỹ thuật - sẽ tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái. "Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo "không ai bị bỏ lại sau", đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí việc làm bền vững và tiếp cận an sinh xã hội, tôn trọng quyền của nữ lao động nhập cư ở Hà Nội".

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu chính sách cụ thể cho lao động nữ di cư làm việc trong khu vực phi chính thức, đề xuất một số điều khoản cụ thể tại chương X – những qui định riêng đối với lao động nữ của Bộ Luật Lao động sửa đổi chẳng hạn. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ di cư tại khu vực thành thị. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông đối với lao động nữ di cư về đào tạo phát triển kỹ năng, hướng nghiệp, tư vấn nghề và việc làm…

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh