Bài toán khó lao động nữ ly nông bất ly hương
- Bài thuốc hay
- 13:18 - 13/10/2017
Gánh nặng mưu sinh
Sáng nào cũng vậy, cứ 6 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Xuân xã An Khánh, huyện Hoài Đức đã rời nhà vào nội đô bắt đầu một ngày làm việc mới. Trên chiếc xe đạp cà tàng, rong rẻo khắp Hà Nội vài cái thảm chùi chân, mấy cây chổi lau nhà, chổi đót, chổi tre, phất trần, vòng lắc… "Đất nông nghiệp đã bị thu hồi hết, không có nghề gì nên phải đi bán hàng rong hơn chục năm nay. Sáng đi, tối về, mỗi ngày chỉ kiếm được 60-100 nghìn đồng thôi. Chị em trong xã cũng không muốn đi bán hàng rong đâu. Lớn tuổi nên ngại không muốn đi học nghề. Hơn nữa, một số nghề đưa về xã dạy như trồng rau, cây cảnh nhưng ở đây đã bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên ít người đi học" - chị Xuân cho biết.
Đại diện lãnh đạo xã An Khánh cho biết, cả xã đã bị thu hồi trên 400ha đất nông nghiệp, diện tích còn lại khoảng 100ha cũng đã nằm trong các quy hoạch sẽ thu hồi trong nay mai. Tuy vậy, chỉ một số lao động trẻ có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, còn lại những lao động tuổi từ 45, 50, 60 thì thiếu việc làm nghiêm trọng, đặc biệt là lao động nữ. Vì vậy để mưu sinh kiếm sống hầu hết phụ nữ lớn tuổi An Khánh phải vào trong thành phố.
Lớp dạy nghề làm hàng thủ công mây tre đan cho lao động nữ.
Theo khảo sát gần đây từ Cơ quan Phụ nữ Liên Hiêp Quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hiêp Quốc (FAO), hiện nay hơn 70% lao động LĐ nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp...
Đánh giá về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, một phần đáng kể do cách suy nghĩ của bố mẹ, con gái không cần học nhiều, vì vậy họ càng khó tìm việc làm. Nếp suy nghĩ bảo thủ này cũng khiến tỷ lệ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình đào tạo nghề thấp hơn so với nam giới... Những yếu tố về cơ cấu ngành nghề cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách về lương theo giới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên, dù chỉ là di cư tạm thời. Theo thống kê, lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15 - 19. Hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư...
Điểm chú ý là phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì. Chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông. Do đó, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng là việc làm cấp thiết, nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Hình thức dạy nghề phải đa dạng, gắn với tạo việc làm
Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành cơ bản hoàn thành nền tảng pháp lý cho vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đây cũng là nội dung được Hội LHPN Việt Nam chọn làm khâu đột phá trong chương trình hành động. “Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho lao động nữ còn được thúc đẩy thông qua thực thi quyền bình đẳng giới. Cần đến chính sách ưu tiên lao động tại chỗ cho phụ nữ tại các vùng chịu áp lực lớn như bị thu hồi đất, vùng không có đất sản xuất, dân số đông... Xét về dài hạn, cần lồng ghép chính sách này vào chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương”, Chủ tịch LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Lớp thực hành trồng rau sạch cho lao động nữ tại Quảng Ninh.
Theo bà Hà, các địa phương cần tăng cường thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015 - 2020, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với tạo việc làm cho LĐ nữ; Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, tạo việc làm cho LĐ nữ, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm hơn nữa cho phụ nữ.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp, được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp; Rà soát, ban hành đầy đủ các chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để quản lý và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn; hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu quản lý thông qua việc chuẩn hóa cán bộ quản lý các cấp.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn lớn tuổi; Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, nhất là sàn giao dịch việc làm, tổ chức thường xuyên phiên giao dịch việc làm lưu động đến các vùng nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận thông tin việc làm phù hợp với trình độ và khả năng cho lao động nữ.