THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:17

Lao động nữ trong khu vực phi chính thức dễ bị tổn thương

 

Đó là thông tin được đưa ra tại báo cáo Phụ nữ, việc làm và tiền lương: Tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam do Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (Mnet) công bố vào ngày 23/1.

Theo báo cáo, mặc dù tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam là 72%, cao hơn mức trung bình thế giới (49%), mức trung bình của khu vực châu Á và nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, lao động nữ Việt Nam còn gặp rất nhiều rào cản trong việc làm và thu nhập.

7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện lao động không đảm bảo. Tỉ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam trong khu vực phi chính thức.

Lao động nữ đang ở vị thế thấp hơn nam trong cơ cấu việc làm. Phụ nữ chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo nhưng lại đóng góp tới 52,1% nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình . Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp so với nam giới. 

Lao động nữ chiếm đa số trong nhóm lao động thất nghiệp. Cụ thể, lao động nữ chiếm tới 57.3% số người thất nghiệp ở nhóm lao động ‘chưa qua đào tạo’ và 50.2% trong nhóm ‘đã đc đào tạo nghề/chuyên nghiệp’ . Đặc biệt tỉ trọng lao động nữ trong  nhóm thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận việc làm đối với lao động nữ khó khăn hơn nam ở hầu hết mọi nhóm trình độ, đặc biệt ở nhóm thấp nhất và nhóm cao nhất.

Lao động nữ cũng phải làm việc trong điều kiện tồi tệ hơn lao động nam. Chỉ có 49,8% lao động nữ trong nhóm lao động làm công ăn lương có ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, trong khi đó tỉ lệ ký hợp đồng lao động của nam là 58,8%. Ngoài ra, trong khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lao động nam có tỉ lệ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn lên tới 73,91% trong khi với lao động nữ chỉ là 67,67%. 

Điều kiện vệ sinh không đảm bảo và áp lực công việc để lại hậu quả tới sức khỏe lao động nữ. Lao động nữ chiếm từ 70-90% lực lượng lao động các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản.  Tuy nhiên, lao động nữ đang phải làm việc trong điều kiện kém vệ sinh, nóng nực, áp lực công việc cao, và thiếu các trang thiết bị vệ sinh phù hợp cho nữ. Hậu quả là theo một khảo sát của MSI Việt Nam, có tới 68% lao động nữ trong các nhà máy xuất khẩu giày đã từng bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa .

 

 

khoảng cách thu nhập giữa nữ và nam

Dù có cùng trình độ, vị trí công việc như nam giới, thu nhập của lao động nữ Việt Nam luôn thấp hơn. Trung bình, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam giới 10,7% nhưng sự chênh lệch này càng ở các nhóm trình độ cao hơn thì càng nới rộng.

 Năm 2016, thu nhập của lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ thấp hơn nam cùng trình độ là 8,1%  nhưng chênh lệch này lên tới 19,7% ở nhóm trình độ đại học trở lên. Theo vị trí công việc, lao động nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn kĩ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn. Thu nhập trung bình của lao động nữ làm công việc giản đơn là 4.015.000 đồng, thấp hơn mức lương đủ sống 37,6%  (tính theo phương pháp Ankers, 2016) và thấp hơn 55% so với mức lương đủ sống của Việt Nam năm 2015 theo Sáng kiến mức lương sàn châu Á.

Thu nhập trung bình của lao động nữ mặc dù cao hơn ngưỡng đói nghèo của Ngân hàng thế giới và cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn còn quá thấp so với mức lương đủ sống . Thu nhập thấp chính là một nguyên nhân quan trọng khiến phụ nữ phải lựa chọn những công việc có điều kiện làm việc tồi tệ hơn, thời gian làm việc dài hơn để nâng cao thu nhập.

60% lao động nữ trong các khu công nghiệp là lao động di cư nhưng có tới 90% phụ nữ di cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến.  Các cuộc điều tra di cư cho thấy nữ giới chiếm tỷ lệ di cư ngày càng cao (hiện tượng “nữ hóa” di cư). Tỉ lệ nữ giới chiếm 52,4% tổng số người di cư nội địa .

Trước đó, trong một  nghiên cứu của Oxfam Việt Nam vào năm 2015 cho thấy, đại đa số phụ nữ di cư và con cái họ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Cụ thể có tới 71% người lao động di cư không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công tại nơi đến và 21,2% trẻ trong độ tuổi từ 6 -14 tuổi theo cha mẹ người lao động di cư sinh sống tại nơi đến không đi học. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trẻ không tiếp cận được hệ thống giáo dục. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập, và 12% trẻ em di cư đi học trường mẫu giáo công lập. Hầu hết các trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo đều là các nhà trẻ, mẫu giáo tư nhân hoặc các nhóm giữ trẻ tại gia đình.

 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh