Tăng cường chống bệnh Dại trên động vật
- Tây Y
- 17:01 - 18/06/2017
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây bệnh ở động vật và người, gây nên những cái chết với những triệu chứng thảm khốc. Nguồn lây bệnh chủ yếu là chó 90%, mèo nuôi 05% và động vật hoang dã 05%. Khi động vật mắc bệnh Dại cào cắn liếm vào người, vi rút từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương.
Bệnh dại trên động vật cũng rất nguy hiểm (ảnh minh họa)
Tại Phú Yên năm 2016, có 4.194 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng và 04 người chết do bệnh Dại. Bốn tháng đầu năm 2017 là: 1.582 người. Thời gian qua, mặc dù có sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, việc tổ chức về phòng, chống bệnh Dại chưa được quan tâm đúng mức. Chó, mèo nuôi chưa được quản lý triệt để, người bị chó mèo cắn phải điều trị y tế dự phòng, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin Dại chó hàng năm đạt thấp hơn so với yêu cầu.
Để công tác phòng, chống bệnh Dại có hiệu quả nhằm ngăn chặn sự phát sinh, lây lan bệnh Dại, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố về tăng cường chống bệnh dại. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin Dại năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 85% tại xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Sở Y tế phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng Chương trình quốc gia và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 liên quan đến lĩnh vực Y tế. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, chấn chỉnh hoạt động và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hành nghề chữa trị bệnh Dại bằng thuốc đông y, thuốc nam không phép trên địa bàn tỉnh.