CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:57

Cảnh báo nguy cơ tử vong cao từ bệnh dại ở người

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác phòng chống bệnh dại

 Trong số 5 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Điện Biên có 2 trường hợp tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi, 1 trường hợp 28 tuổi và 2 trường hợp 54 tuổi. Trong đó, TP. Điện Biên Phủ 1 ca; Nậm Pồ 1 ca; Tuần Giáo 1 ca; Mường Nhé 1 ca và huyện Điện Biên 1 ca.

Bệnh dại rất nguy hiểm, từ động vật mắc bệnh lây sang người bằng các vết cắn, vết xước… Bệnh có nhiều biểu hiện, thời gian phát bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ) thì vết thương càng nặng, thời gian phát bệnh càng ngắn (một số trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh đến 1 năm sau mới phát bệnh).

Khi phát bệnh, người bệnh co giật, co cứng toàn thân, sợ nước, sợ ánh sáng, co thắt hệ hô hấp, liệt 1 hoặc 2 chi dưới sau đó lan dần lên trên dẫn đến khó thở (do liệt cơ hô hấp) thời gian phát bệnh đến lúc tử vong từ 4 - 10 ngày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trước những con số không thể xem nhẹ trên, Sở Y tế tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho tất cả các đối tượng bị động vật cắn nghi dại; củng cố các điểm tiêm phòng vắc xin dại tại 10 huyện, thị, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tiêm phòng.

Tiêm vacxin phòng bệnh ở chó

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, mùa hè là thời điểm các loại bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát, nhất là những bệnh nguy hiểm (viêm não Nhật Bản B, viêm não vi rút, thủy đậu, quai bị, bệnh dại…); tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở các tháng trong năm, nhất là các dịch bệnh đã và đang từng lưu hành trên địa bàn.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng ban Thường trực dự án Khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thì tỷ lệ đàn chó phải được tiêm vắc xin bệnh dại đạt từ 70% trở lên thì mới có thể loại trừ nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng. Thế nhưng, nhiều địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó đạt rất thấp, đây là nguy cơ dẫn đến bệnh dại gia tăng. 

Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, với người đã bị bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% nên người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng chống như: tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ; chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút, rửa sạch vết thương với cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Chính vì mức độ nguy hiểm của bệnh dại, Trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo, khi bị động vật cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Đặc biệt, hiện nay tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố có vắc xin, huyết thanh kháng dại, người dân cần tham gia tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh