CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Kiên quyết loại bỏ bệnh dại ra khỏi cộng đồng

Vài năm trở lại đây, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 10.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, cao gấp đôi so với thời điểm năm 2013. Năm 2016, bệnh dại đã xảy ra tại 7 xã, phường và riêng 2 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 1.600 người phải đi tiêm phòng vắc-xin; Còn tại Điện Biên, tính đến giữa năm ngoái đã có 5 người tử vong, gần 2.100 người phơi nhiễm; Báo động nhất là đầu tháng 3 này, 53 người ở một xã thuộc tỉnh Nghệ An bị chó cắn và đang đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm; Và ở Yên Bái, mỗi năm cũng có gần chục nghìn trường hợp bị chó cắn, trong đó huyện Văn Chấn là địa phương có nguy cơ bùng phát bệnh cao nhất, năm 2016, trên địa bàn huyện này đã ghi nhận 719 ca phơi nhiễm bệnh dại (số ca đươc tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là 659 ca, số ca không tiêm là 60 ca), mặc dù đã giảm hơn 30% so với năm 2015 song tình hình bệnh dại nơi đây đang có nguy cơ tăng do vi-rút dại lưu hành trên đàn chó khó kiểm soát tại các xã vùng núi cao.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để bảo vệ người bị chó cắn

Các trường hợp tử vong là do người bị chó cắn đã không đến cơ sở y tế khám, tiêm phòng dại kịp thời. Như trường hợp của ông Đặng Văn Chế (Văn Yên, Yên Bái), ông là người thứ 5 bị con chó này cắn. Mặc dù cán bộ Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đến tận nhà yêu cầu, vận động ông đi tiêm phòng dại. Ông Chế đã đồng ý và ký vào biên bản cam kết sẽ đi tiêm, song ông không đi mà bốc thuốc lá cây rừng. Hậu quả là ông đã tử vong ngay sau đó; Hoặc trường hợp cháu Hảng Thị Sênh, 6 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái), cháu đang chơi thì bị chó cắn nhưng bố mẹ không cho đi tiêm phòng. Hai tháng sau, cháu bé lên cơn dại và đã tử vong; Hoặc như anh cán bộ Hảng A Ký (Mù Cang Chải, Yên Bái) bị chó cắn nhưng 13 ngày sau mới đi tiêm phòng, tiêm được 2 mũi thì anh lên cơn dại và tử vong;…

Mặc dù là một loại bệnh rất nguy hiểm nhưng người dân có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tuy nhiên, công tác này chưa thực sự hiệu quả bởi các địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa thực sự nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài trong xử lý các trường hợp vi phạm. Đội ngũ thú y viên cơ sở mỏng, mỗi xã chỉ có một vài người trong khi người dân còn thói quen thả rông, không rọ mõm chó, mèo. Một yếu tố nữa là đường đi lại giữa bản và huyện khó khăn, người dân không có tiền đi tiêm.

Tiến tới khắc phụ hạn chế, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, khống chế nguy cơ bùng phát, tiến tới loại trừ bệnh dại. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 xây dựng kế hoạch hành động trong giai đoạn 2017-2021, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng: Lập danh sách hộ nuôi chó, cam kết nuôi nhốt, xích, giữ chó trong khuôn viên của gia đình; Phải phát động các tháng cao điểm tiêm phòng vắc-xin cho chó vào tháng 3-4 hàng năm, tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng thôn, ấp, bản hoặc cụm dân cư, tổ chức tiêm bổ sung cho chó mới phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm;

Bênh cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan sớm kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc-xin phục vụ công tác điều trị dự phòng, xem xét hỗ trợ tiêm vắc-xin miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc-xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc-xin; Đồng thời, phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm trong phòng, chống bệnh dại ở động vật; Tăng cường giám sát phát hiện bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại ở người và động vật, nâng cao năng lực chẩn đoán, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển chó, xây dựng vùng an toàn bệnh dại.

ĐƯỜNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh