THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:56

Tăng cường hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản

 


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp (bên phải) tiếp ông Tabata Hiroaki, Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (bên trái).


Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích. Tổng số thực tập sinh Việt Nam hiện đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126 nghìn người. Việt Nam vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hàng năm và số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, trong đó có nội dung triển khai các khóa đào tạo thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. Đến nay, Việt Nam đã tổ chức 6 khóa đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản với số lượng xuất cảnh 892 người. Các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, vì số lượng thi lấy chứng chỉ quốc gia trong lĩnh vực điều dưỡng đều đạt trên 80% - 90%, cao hơn so với Philippines và Indonesia, thường chỉ đỗ khoảng 30% - 40%. Mặc dù kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên xung quanh vấn đề hợp tác đưa thực tập sinh sang Nhật Bản cũng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. 

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, vướng mắc lớn nhất trong việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, thậm chí cao nhất trong số các nước cử thực tập sinh sang Nhật Bản; Tình trạng đoàn thể tiếp nhận thông qua môi giới trung gian để ký kết hợp đồng tiếp nhận thực tập sinh với doanh nghiệp phái cử vẫn diễn ra gây phát sinh thêm nhiều chi phí cho thực tập sinh; Việc xem xét hồ sơ xin tư cách lưu trú cho thực tập sinh đã bị kéo dài hơn so với trước đây; Tại Nhật Bản vẫn tồn tại nhiều cơ sở tiếp nhận và đội ngũ môi giới lao động bất hợp pháp; Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã thực hiện việc phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản nhưng không thực hiện việc đăng ký hợp đồng theo quy định.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị phía Nhật Bản bên cạnh việc tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức môi giới việc làm và sử dụng lao động bất hợp pháp, cần có sự điều chỉnh chính sách như: Tiếp nhận lại hoặc chuyển sang chế độ lao động cho những thực tập sinh đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng và có chế độ đãi ngộ phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động; Xem xét miễn giảm thuế thu nhập và thuế cư trú cho thực tập sinh trong thời gian thực tập tại Nhật Bản như đang thực hiện với thực tập sinh của Trung Quốc và Thái Lan nhằm giảm gánh nặng về tài chính cho thực tập sinh.

 

Quang cảnh buổi tiếp.


Bên cạnh đó, cơ quan quản lý của 2 nước cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai Bản ghi nhớ hợp tác MOC đã được ký kết ngày 6/6/2017 nhằm đảm bảo việc thực thi đúng quy định Chương trình thực tập sinh kỹ năng; Rà soát lại quy trình và thủ tục hồ sơ xin tư cách lưu trú cho thực tập sinh tránh tình trạng bị kéo dài thời gian như hiện nay, gây ảnh hưởng đến hoạt động phái cử và tiếp nhận thực tập sinh theo Chương trình.

Đối với Chương trình thực tập sinh hộ lý, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều thừa nhận công việc thực tập sinh điều dưỡng không hấp dẫn. "Công việc  làm trong các trại dưỡng lão, các bệnh viện, công việc không hẳn là sạch sẽ, vì thế, nguy cơ các thực tập sinh hộ lý, điều  dưỡng chấm dứt hợp đồng rất cao. “Phía Nhật Bản quy định trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm phải có trình độ N3, như vậy nguy cơ bị trả về là rất lớn, chính vì vậy chương trình thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý không thể triển khai ở mức độ lớn. Đây cũng là vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới” , Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Ông Tabata Hiroaki ghi nhận những ý kiến của Thứ trưởng đồng thời cho biết, Luật lao động mới của Nhật Bản đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/11/2017, trong đó tâm điểm mà dư luận quan tâm nhất là việc cho phép thực tập sinh nước ngoài có đủ các điều kiện được kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản từ 3 năm lên 5 năm. Luật lao động mới sẽ thiết lập các cơ chế tuyển chọn, quản lý chặt chẽ hơn đối với cả doanh nghiệp tiếp nhận và cả thực tập sinh. Một số cơ quan quản lý lao động nước ngoài sẽ được thành lập mới, sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, quản lý tốt hơn tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, người lao động nước ngoài”, ông Tabata Hiroaki nói.

Về thực tập sinh hộ lý, ghi nhận những vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực thực tập sinh hộ lý, mà ở đó là công việc đồi hỏi sự tỷ mỉ, vất vả, đồng thời yêu cầu cao về ngôn ngữ để phục vụ nhu cầu giao tiếp giữa bản thân người hộ lý và người được chăm sóc, ông Tabata Hiroaki mong muốn các bạn trẻ Việt Nam nếu thực sự yêu nghề hộ lý, có quyết tâm theo đuổi con đường này, các bạn cần tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề để làm việc thật tốt trong thời gian cư trú tại Nhật Bản.

Cuối cùng, ông Tabata Hiroaki mong muốn cơ quan chức năng của hai nước sẽ có những cuộc gặp gỡ để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề còn tồn tại từ đó có các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tình trạng trên.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh