CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:58

Chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản

 

Nhật bản là thị trường XKLĐ trọng điểm, đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang thực tập kỹ năng (thực tập sinh). Trong nhiều năm gần đây, do các cơ quan chức năng của hai nước đã thúc đẩy mạnh mẽ mọi lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và với sự nỗ lực của các doanh nghiệp XKLĐ, số lượng thực tập sinh đưa sang Nhật Bản đã tăng mạnh.

Năm 2014, Việt Nam đã đưa gần 20.000 và năm 2015 dự kiến sẽ đưa được khoảng 23.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Phần lớn các doanh nghiệp đã tuyển chọn lao động có chất lượng tốt, đầu tư bài bản cho công tác đào tạo lao động trước khi đi và tổ chức quản lý tốt lao động tại Nhật Bản. Về cơ bản, thực tập sinh Việt Nam được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp tiếp nhận Nhật Bản đánh giá tốt.

Tuy nhiên, việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thời gian gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng xấu đến việc tiếp tục mở rộng thị trường XKLĐ sang Nhật Bản, cụ thể: Nhiều thực tập sinh Việt Nam phải chịu mức phí quá cao so với qui định và so với mặt bằng chung, hoặc đăng ký phải chịu các chi phí chuẩn bị nhưng không được đưa đi. Nhiều thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản, tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp tăng so với các năm trước đây.

 Nguyên nhân chính của các hiện tượng trên là do một số doanh nghiệp không có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, không nắm vững các qui định của pháp luật Việt Nam, Nhật Bản và các phương thức tổ chức đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Một số doanh nghiệp không đầu tư hoặc đầu tư không đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác đào tạo lao động trước khi đi, đào tạo lao động trước khi đi không đầu đầy đủ theo yêu cầu của thị trường, chất lượng tuyển chọn không tốt…

Để chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, khắc phục các hạn chế nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra các qui định cụ thể yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản thực hiện. Theo đó, các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải đáp ứng các điều kiện: Không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 01 năm tính đến thời điểm đề nghị đưa thực tập sinh sang Nhật Bản và không có vụ việc phát sinh liên quan tới người lao động mà không được giải quyết dứt điểm, để khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng xấu trong dư luận; Có bộ máy và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản đáp ứng yêu cầu; Có thỏa thuận hợp tác (hợp đồng) về phái cử và tiếp nhận thực tập sinh với tổ chức tiếp nhận hợp pháp của Nhật Bản.

 

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản (ảnh Internet)

 

Về hợp đồng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra yêu cầu về các điều kiện tối thiểu trong hợp đồng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản về: Thời giờ làm việc, mức trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật, điều kiện về nhà ở, chi phí đi lại, bảo hiểm. Phí quản lý  và chi phí và thời gian đào tạo tại Việt Nam.

Việc tuyển chọn, thu phí và đào tạo thực tập sinh trước khi đi và quản lý thực tập sinh tại Nhật Bản yêu cầu, ngoài một cơ sở tại trụ sở chính, doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản cho không quá 3 cơ sở (chi nhánh, trung tâm xuất khẩu lao động hoặc đơn vị tương đương) có trụ sở không trên cùng một tỉnh. Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã đăng ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện. Về thu phí, doanh nghiệp phái cử được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp được thu từ người lao động không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết học/khóa học. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh. 

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo tiếng Nhật với thời lượng tối thiểu 520 tiết, và phải bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh theo quy định và cấp chứng chỉ cho thực tập sinh trước khi đi. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đưa được trên 200 thực tập sinh tại Nhật Bản phải bố trí cán bộ đại diện để quản lý, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thực tập sinh.

Liên quan đến tình hình lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạm đình chỉ hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời hạn 90 ngày đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng trên tổng số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản cao hơn 5% để doanh nghiệp thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Sau thời hạn 90 ngày, nếu doanh nghiệp không giảm được tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng sẽ không được tiếp tục đưa thực tập sinh sang Nhật Bản.

Trong việc tổ chức thực hiện công tác chấn chỉnh này, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu sự vào cuộc của Sở LĐ-TB&XH các tỉnh/thành phố và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh/thành phố có trách nhiệm quản lý hoạt động tuyển chọn thực tập sinh tại địa phương và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ LĐ-TB&XH (Cục Quản lý lao động ngoài nước) để xử lý theo quy định.

Đối với Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị cơ quan này tổ chức bộ phận chuyên trách về thị trường Nhật Bản để giám sát các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định trên, phát hiện, thông tin cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về các doanh nghiệp vi phạm để xử lý theo quy định.

HUYỀN MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh