Tăng cường hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của APEC
- Dược liệu
- 23:32 - 10/04/2017
Ngày 10/4, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi hội thảo tham vấn dự thảo kế hoạch hành động về phụ nữ và kinh tế trong APEC năm 2017, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm. Hội thảo nhằm tăng cường hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang có nhiều thay đổi thay đổi, đặc biệt là công nghệ.
Tham dự buổi hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhiều nữ doanh nhân tiêu biểu tại Tp. Hồ Chí Minh tham dự nhằm đóng góp ý kiến cho chương trình hành động khi Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC trong năm 2017.
Chủ đề chung của năm đăng cai APEC của Việt Nam: “Tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung” với ý nghĩa các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương, vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau tham gia phân tích, đóng góp ý kiến trên 3 trụ cột chính:
Thúc đẩy Bình đẳng giới vì tăng trưởng kinh tế bao trùm.
Rút ngắn khoảng cách về giới trong tiếp cận với công việc tốt, tài sản và kỹ năng: Việt Nam cũng như các nền kinh tế APEC khác còn tồn tại những khác biệt đáng kể trong việc làm và cơ hội thu nhập giữa các nhóm phụ nữ và nam giới khác nhau. Những khác biệt không chỉ là sự chênh lệch trong số lượng phụ nữ và nam giới có việc làm, mà còn liên quan đến các hình thức phân biệt nghề nghiệp và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế, đầu tư vào kỹ năng và năng suất cho lao động nữ cần được coi là một trong những ưu tiên của hoạch định chính sách. Phụ nữ chiếm phần lớn trong tổng số lao động không được trả lương ở gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, và tiếp cận rất hạn chế đến nguồn lực sản xuất.
Tất cả phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: APEC đang xây dựng sáng kiến “Phụ nữ khỏe mạnh, nền kinh tế khỏe mạnh”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ giúp họ có cơ hội tham gia vào hoạt động kinh tế nhiều hơn, từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Với xu hướng xã hội hóa/tư nhân hóa ngày càng tăng của hệ thống y tế, những khó khăn tài chính y tế công và khoảng cách giàu nghèo gia tăng, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn khó khăn hơn để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các chính phủ cần có những chiến lược phù hợp để tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho lực lượng lao động nữ, điều này sẽ giúp tiết kiệm chi tiêu công do giảm được tỷ lệ mất việc do ốm đau và chi trả của bảo hiểm y tế.
Toàn cành buổi hội thảo (Ảnh: Minh Thông)
Tăng mức đầu tư công vào các dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công sẽ giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ. Những biện pháp này đòi hỏi các chính phủ và doanh nghiệp phải bổ sung/đầu tư ngân sách. Song song với việc đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghiên cứu ở 7 quốc gia OECD cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc (đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em), số lượng việc làm sẽ tăng khoảng 2,4 – 6,1%. Phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm, và các chính sách này sẽ thúc đẩy việc làm nói chung và tăng trưởng kinh tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể do nữ làm chủ trở thành doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các doanh nghiệp siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể do nữ làm chủ đang chiếm 1 số lượng rất lớn trong các nền kinh tế APEC, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển. Số liệu thống kê và nghiên cứu đã chỉ ra rằng doanh nghiệp siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể không những có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế gia đình, xã hội mà còn có tính bền vững cao trong một thế giới việc làm đang thay đổi. Lợi thế của doanh nghiệp siêu nhỏ/hộ kinh doanh cá thể là sự vận hành uyển chuyển và linh hoạt.
Ở Việt Nam, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Từ trước đến nay, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2014), nếu như kinh tế Nhà nước đóng góp 32,2% vào GDP, thì kinh tế ngoài Nhà nước góp tới 48,3%; (Kinh tế tập thể 5%, Kinh tế tư nhân 10,9%, Kinh tế cá thể 32,3%); Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 19,5%. Như vậy, trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực kinh tế cá thể có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP (xấp xỉ 33%), cao hơn khu vực kinh tế Nhà nước và cao hơn hẳn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu các chính phủ có những chính sách và định hướng phù hợp giúp các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận tốt hơn đối với các nguồn lực và cơ hội, họ sẽ phát triển thành doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc chuyển số hộ cá thể này thành doanh nghiệp sẽ có lợi thế rất lớn về giao dịch hợp đồng, đồng thời góp phần tăng số lượng doanh nghiệp, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế. Khả năng kinh doanh và vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế cũng sẽ tăng lên.
Tăng cường vai trò, tiếng nói của các hiệp hội/ tổ chức doanh nghiệp do nữ làm chủ trong hoạch định và thực thi chính sách: Phụ nữ hiện chiếm trên 50% dân số, tham gia ngày càng đông đảo vào lượng lao động xã hội. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp MSMEs và chiếm 50-80% việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp 20-50% GDP trong các nền kinh tế APEC. Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Chính vì vậy, APEC cần chú trọng phát triển và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ thông qua việc họ được tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Điều này được thực hiện thông qua đại diện của họ là các hiệp hội/tổ chức doanh nghiệp nữ và các kênh liên quan khác.
Các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp là chỗ dựa và hơi thở của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp-hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và theo đuổi các mục tiêu của mỗi doanh nghiệp trong sự sự hài hòa với các lợi ích khác nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bao trùm. Hiệp hội/tổ chức phải là người giúp hoàn thiện các chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các lúng túng về tăng trưởng kinh tế bao trùm, bổ sung cái nhìn đa chiều từ các bên liên quan đến DN; giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức, có chiến lược phát triển bền vững toàn diện, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng và có hoạt động kinh doanh, cạnh tranh công bằng, lành mạnh, hiệu quả cao, đáp ứng các yêu cầu vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bao trùm . Hiệp hội, tổ chức phải trực tiếp tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện và góp phần hoàn thiện chính sách.
Phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Tương tự như nam giới, họ đang tham gia vào thị trường lao động để làm việc và kiếm thu nhập để trợ cấp cho bản thân và gia đình của họ. Tuy nhiên, trình độ học vấn, tức là, kiến thức, kỹ năng của họ, và năng lực, tính trung bình, thường thấp hơn so với nam giới. Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động như khoảng cách giới về lương, sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong tuyển dụng, trình độ thấp... vẫn còn phổ biến ở một số nước.
Tất cả các nền kinh tế APEC đều có chiến lược riêng để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực nữ nói riêng và đã đạt được những thành quả nhất định, tuy còn khác nhau do sự chênh lệch của trình độ phát triển. Nhiều nền kinh tế thành công trong việc phát triển nguồn nhân lực nữ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và sự hội nhập của nó vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới. Cụ thể như Hàn Quốc đã thu được nhiều thành tựu kể từ khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nền sản xuất công nghiệp. Các chính sách cho phụ nữ ở Hàn Quốc rất quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Các nghiên cứu, điều tra và các hội thảo mang tính chuyên gia tạo ra nền tảng về số liệu và thông tin rộng rãi, trở thành công cụ giúp xây dựng các chính sách về giới và phụ nữ. Do sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính sách nhân sự được mở rộng tạo điều kiện cho các chính sách về giới và phụ nữ được thực hiện khá tốt. Chính phủ Hàn Quốc coi trọng công tác vận động phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế và hoạt động xã hội. Singapore cũng là một nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế thông qua chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực nữ. Vì quốc gia này thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên – một trong những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia nên Chính phủ Singapore coi nguồn lực con người là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ mong muốn tạo ra một nền kinh tế tri thức mà ở đó trí lực con người là yếu tố quyết định, giúp nền giáo dục của Singapore được ưa chuộng trên thế giới, người Singapore trở thành thầy dậy trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ trên thế giới, và một bộ phận không thể thiếu được chính là nguồn nhân lực nữ của quốc gia này.
Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Indonesia..., nhiều chính sách, chương trình đã thiết kế các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm “yếu thế”, tạo điều kiện cho họ tham gia và hưởng thụ chính sách (nhóm yếu thế gồm: phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số; người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt, v.v). Tuy nhiên, còn có những điểm hạn chế như:
- Các chương trình giáo dục - đào tạo - dạy nghề thường tập trung đào tạo chuyên môn, chưa chú ý đào tạo các kỹ năng cho người lao động. Do vậy, mặc dù lao động đã qua đào tạo nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học; thiếu khả năng phối hợp làm việc nhóm; thiếu năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động trong nước và quốc tế.
- Hầu hết các chính sách chưa được lồng ghép giới, do vậy trong thực tế phụ nữ và trẻ em gái vẫn thiệt thòi hơn trong tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách này.
- Vẫn còn một số chính sách chưa quan tâm đầy đủ tới khả năng tiếp cận và thụ hưởng chính sách của các nhóm yếu thế, từ đó gây nên bất bình đẳng trong xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại buổi hội thảo. (Ảnh: Minh Thông)
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã ghi nhận nhiều ý đóng góp xác đáng, quí giá từ các nhà quản lý, các nhà khoa học và các doanh nghiệp xuất phát từ thực tiễn phụ nữ làm kinh tế tại Việt Nam, góp phần xây dựng tốt hơn khung chương trình hành động chung cho 21 nền kinh tế APEC.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng để xây dựng được khung chương trình hành động chung cho 21 nền kinh tế APEC cần phải: "Các nền kinh tế cần có chương trình hành động cụ thể trong việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, cập nhật các xu hướng, yêu cầu của hội nhập quốc tế, những vấn đề căn bản của hiệp ước quốc tế, các công ước quốc tế và các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký cam kết với các nước. Các nền kinh tế cần rà soát lại hệ thống luật pháp của mình nhằm đảm bảo vô hiệu hóa được các vấn đề mà mình tham gia, xóa bỏ cho được các rào cản đang kìm hảm sự phát triển tốt đẹp của bình đẳng giới cũng như sự tham gia của phụ nữ về kinh tế của các nền kinh tế. Các Chính phủ cần phải quan tâm, phát triển chuyên sâu về lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp của cả hai giới, trong đó chú trọng quan tâm đến phụ nữ...".
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng được coi là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam và các nền kinh tế khác trong APEC. Năm 2015, các khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gấp 2,3 lần so với 2014. Đồng thời, nhiều nền kinh tế APEC cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bởi nền sản xuất còn cho năng suất thấp, áp dụng khoa học công nghệ rất hạn chế, không có những tập đoàn, công ty thuộc top hàng đầu thế giới... Vậy để tiếp tục phát triển, APEC cần có những chiến lược rất cụ thể để nỗ lực tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này nhằm tạo ra những thay đổi triển vọng hơn, đồng thời hạn chế tối đa các thiệt hại đối với các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có nguồn nhân lực nữ.